Gap year: Khám phá năng lực và phát triển nghề nghiệp

Gap year là thuật ngữ chỉ khoảng thời gian sau quá trình học được các bạn trẻ dành ra để khám phá bản thân và tìm kiếm cơ hội mới trong cuộc sống.

Gap year đến với cộng đồng

Gap year đến với cộng đồng

Theo các chuyên gia về xã hội và giáo dục, Gap year - năm khám phá, có ảnh hưởng rất lớn đến lối sống và quyết định nghề nghiệp của các bạn trẻ khi vừa rời ghế nhà trường.

Những giá trị mà Gap year mang lại

ThS giáo dục Huỳnh Văn Tiến Lộc (Đồng Tháp) cho rằng, mô hình phát triển nghề nghiệp đã thay đổi căn bản theo nguyên tắc khởi nghiệp tinh gọn với cấu trúc Học - Trải nghiệm - Làm việc.

Thay vì một sinh viên học 4 năm ĐH rồi mới làm việc thì vẫn có lựa chọn rút ngắn thời gian học hoặc trải nghiệm để học và thực hành ngay.

“Gap year là một trong các lựa chọn phù hợp với xu hướng thời đại của giới trẻ. Khoảng thời gian khám phá mang lại giá trị rất quan trọng, giúp các bạn kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho quá trình học tập lẫn nhận thức xã hội”, ThS Huỳnh Văn Tiến Lộc nói.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm đa dạng (du lịch văn hóa, làm thêm ở môi trường chuyên nghiệp, tham gia các hoạt động văn hóa, thực hiện công tác tình nguyện, “chạy” các dự án phát triển cộng đồng,…), mỗi cá nhân sẽ có cơ hội đi để tiếp xúc, va chạm thực tế, sau đó tự đánh giá khung năng lực của mình với những đòi hỏi công việc hay tiếp cận hệ thống khung năng lực quốc tế và phát hiện ra tiềm năng cũng như thiếu sót của bản thân.

Theo ThS Huỳnh Văn Tiến Lộc, Gap year không phải hiểu theo nghĩa một chuyến đi chơi xa đơn thuần, mà đây là khoảng thời gian các bạn trẻ nghiên cứu và lập kế hoạch nghề nghiệp khoa học.

Các hoạt động Gap year cung cấp thông tin thực tế đa chiều trong khi gia đình và trường học chỉ cung cấp ít nhất hai góc nhìn cuộc sống. Những năm Gap year đem đến cho người trẻ lăng kính văn hóa xã hội khác nhau từ hội đoàn, người nhân viên, khách du lịch, người dân tại miền quê xa lạ.

“Gap year chính là những hoạt động xê dịch và kết nối liên tục. Nó đặt nền tảng cho các bạn trẻ có được những người thầy, đối tác, đồng nghiệp, cố vấn trong tương lai. Ở các nước phát triển, lịch sử của hoạt động Gap year được các nhà tuyển dụng xem xét như là một yếu tố trải nghiệm công việc rất nghiêm túc”, ThS Lộc cho biết.

Gap Year trở thành một xu hướng trải nghiệm học tập trên thế giới.

Nên làm gì trong năm khám phá?

ThS Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về hướng nghiệp ở TPHCM, đưa ra danh sách 11 hoạt động nên thực hiện trong thời gian Gap year. Trước tiên là tập hợp hay tham gia vào một nhóm bạn trẻ có cùng ý tưởng hoặc chủ đề hoạt động.

Các bạn trẻ ngoài công việc cống hiến cho cộng đồng thì có thể lập một dự án khởi nghiệp. Khi tiến hành khởi nghiệp, người trẻ luôn luôn phải giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn lực để đạt tới mục tiêu. Chính điều này sẽ rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

“Việc đi nhiều, du lịch tới miền đất mới, học thêm một nét văn hóa mới, viết về một điều gì đó sau chuyến đi góp phần tăng trưởng tri thức và mở rộng tầm nhìn. Tôi khuyên các bạn trẻ cố gắng hoàn thành một dự án từ A đến Z mặc dù kết quả có tới đâu đi nữa. Hãy vượt qua vùng an toàn của mình bằng cách thử những công việc hay trải nghiệm mà mình không thích. Sống trong vùng an toàn từ nhỏ đến lớn là một trong các nguyên nhân làm hạn chế năng lực các bạn trẻ”, ThS Vũ Tuấn Anh nói.

Giá trị của Gap year mang lại là từ các hoạt động trải nghiệm nên ThS Vũ Tuấn Anh khuyên các bạn trẻ cứ mạnh dạn đi bán hàng và phục vụ khách hàng. Bởi vì trong suốt thời gian làm việc, dù ở bất kỳ vị trí nào, người lao động cũng phải có kỹ năng thuyết phục và phục vụ một nhóm đối tượng nhất định.

Nếu có điều kiện, người trẻ nên giao tiếp và làm việc chung với bạn bè ngoại quốc. Ngoài trải nghiệm môi trường đa văn hóa, các bạn trẻ sẽ thấy yêu cầu công việc và cuộc sống cao hơn những gì bản thân cảm nhận.

“Có một sự thật rằng sức khỏe của các bạn trẻ hiện tại không đủ đáp ứng môi trường lao động cường độ cao. Gap year sẽ là thời gian lý tưởng cho các bạn rèn luyện thể lực để chuẩn bị năng lượng cho chương trình học sắp tới hoặc công việc tương lai. Triết lý của Gap year đơn giản là No pain - No gain (Không đau thì không tiến bộ)”, ThS Vũ Tuấn Anh cho biết.

Gap year thế nào cho hiệu quả?

ThS Huỳnh Văn Tiến Lộc cho rằng để có thời gian Gap year hiệu quả, các bạn trẻ cần xác định mục tiêu, lên kế hoạch và chọn lựa hoạt động một cách khoa học, hệ thống. Trên thực tế, có nhiều bạn cứ “xách ba lô lên và đi” theo trào lưu. Điều đó khiến cho một năm Gap year không thu được bất kỳ trải nghiệm nào có lợi cho bản thân.

Đầu tiên, chúng ta cần xác định chủ đề của năm khám phá là gì. Do mỗi cá nhân có nhu cầu, sở trường, sở đoản, nguồn lực khác nhau nên cần đánh giá xem trải nghiệm khám phá nào mới là ưu tiên hàng đầu.

Ví dụ một bạn trẻ chưa đủ tự tin tiếp xúc với đám đông có thể lựa chọn các hoạt động cộng đồng. Ngược lại, một bạn trẻ quá năng động cần lựa chọn các hoạt động mang tính thu thập, phân tích, đánh giá từ một dự án nào đó.

Cơ hội để kết nối bạn bè.

Mục tiêu của Gap year cần phân biệt rõ đó là khám phá về tri thức, kỹ năng, trải nghiệm hay tổng hợp cả ba. “Để có một kế hoạch Gap year hoàn chỉnh, các bạn trẻ cần thực hiện các bài trắc nghiệm sẵn có và tìm kiếm cho mình những Mentor/Coaching (người hướng đạo) tốt.

Nếu như bạn trẻ không có điều kiện để đi xa, bạn vẫn có thể nghiên cứu các định hướng quản trị nghề nghiệp thông qua việc đọc hiểu tri thức và sử dụng các phương tiện, công cụ bản địa”, ThS Vũ Tuấn Anh nói.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh việc tìm hiểu kỹ lưỡng vị trí du lịch, chương trình đào tạo, môi trường văn hóa liên quan đến hoạt động Gap year, vì nguyên tắc vàng là “Gap year chỉ thực sự hiệu quả nếu nó được tối ưu cho từng cá nhân”.

Khi đã xác định mục tiêu cụ thể, các bạn trẻ bắt đầu lên kế hoạch về thời gian, kinh phí, lộ trình, và phải tính tới khả năng đảm bảo sự an toàn. An toàn ở đây ngoài mang nghĩa vật lý và tinh thần, còn là chi phí cơ hội mà các bạn phải đánh đổi khi quá sa đà.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/gap-year-kham-pha-nang-luc-va-phat-trien-nghe-nghiep-4003239-b.html