Gạt Thổ khỏi F-35, Mỹ có thể 'mất cả chì lẫn chài'

Tổng thống Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể đưa ra quyết định hợp lý trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 16/7, trao đổi với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, chính quyền của ông sẽ không bán chiến đấu cơ phản lực F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ do nước này đã mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.

"Chúng tôi sẽ thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, chúng tôi sẽ không bán chiến đấu cơ phản lực F-35 cho họ" ông Trump nói và không đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà Washington từng dọa sẽ áp đặt trước đó.

Theo Tổng thống Mỹ, giữa ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên cả hai đều phải đối mặt với một tình huống rất khó khăn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Họ đang ở trong một tình huống rất khó khăn, và chúng ta cũng vậy. Chúng ta hãy cùng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng điều đó quả thực rất không công bằng...

Bởi vì thực tế là nếu nước họ mua một tên lửa của Nga, chúng ta không được phép bán cho họ những chiếc máy bay trị giá hàng tỷ USD. Đây là tình huống rất không công bằng", ông Trump nhấn mạnh đồng thời cho rằng, nhà sản xuất F-35 sẽ không vui vì điều này.

Ứng viên được ông Trump đề cử cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Quân đội Mỹ Mark Esper, tái khẳng định quan điểm của Thượng viện Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể vừa có S-400 và F-35.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể đưa ra quyết định hợp lý trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Washington không bán F-35 cho Ankara, Mỹ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.

Thứ nhất, mất đi một hợp đồng béo bở (120 chiếc F-35) trị giá hàng tỷ đô la. Là một "Tổng thống doanh nhân" chắc chắn, ông Trump sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Thứ hai, việc từ chối bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến các nước đồng minh mất lòng tin vào Mỹ. Dự án nghiên cứu và phát triển F-35 có sự tham gia của nhiều nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị tước quyền mua F-35 thì các nước khác cũng có thể chịu chung số phận với Ankara nếu như "làm phật lòng Mỹ".

Việc các đối tác mất lòng tin với Mỹ sẽ khiến nước này gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho những dự án nghiên cứu tiếp theo (máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là một ví dụ).

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga vào tuần trước, bất chấp lời cảnh báo từ phía Mỹ rằng hành động như vậy có thể dẫn đến việc Lầu Năm Góc gạt nước này ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Mối quan ngại của Washington chính là việc triển khai S-400 đồng bộ với F-35 có thể khiến Nga thu được quá nhiều thông tin bên trong hệ thống máy bay của Mỹ.

Mua thiết bị quân sự từ Nga có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên chủ chốt của NATO, phải chịu sự trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống lại các bên chống Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, nước này đang xem xét các điều khoản của luật nhằm áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được hé lộ.

Trung Dũng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/gat-tho-khoi-f-35-my-co-the-mat-ca-chi-lan-chai-3383943/