Gay cấn lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội

Hàng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội thi thả diều truyền thống gắn với ngôi miếu thờ thần linh. Năm 2023 cuộc thi thả diều được tổ chức với quy mô mở rộng thu hút sự tham gia của 20 câu lạc bộ diều đến từ 5 tỉnh, thành phía Bắc.

Trưa ngày 4/5, 57 diều tham gia phần thi thả diều đã có mặt tại sân miếu Châu Trần, diều sẽ được Ban tổ chức kiểm tra và dán số niêm phong trước khi nhập cuộc.

Trưa ngày 4/5, 57 diều tham gia phần thi thả diều đã có mặt tại sân miếu Châu Trần, diều sẽ được Ban tổ chức kiểm tra và dán số niêm phong trước khi nhập cuộc.

Các chủ diều cũng là các thí sinh trực tiếp thả diều rước diều ra bãi thi.

Theo quy chế chấm giải hội thi thả diều, Ban Tổ chức cho biết có 4 tiêu chí: Diều phải có sải cánh tối thiểu 2,2 m, không hạn chế tối đa. Diều mang từ 3 sáo trở lên nhưng sáo bé nhất phải có đường kính từ 3 cm trở lên. Sáo càng to và diều mang nhiều sáo, tiếng sáo trong và vang xa hơn thì được điểm cộng. Cuối cùng là độ đứng của diều, khi diều lên cao phải đứng yên.

Ngay sau tín hiệu khai cuộc của Ban tổ chức, nhất loạt hàng chục chiếc diều bắt đầu “cất cánh” trong tiếng cổ vũ của khán giả.

Chiều 4/5, thời tiết nắng to các thí sinh rất khó để quan sát diều khi đạt một độ cao nhất định.

Người dân trong vùng “đội nắng” để đến xem và cổ vũ cho các chủ diều dự thi.

Hầu hết người dân ở Bá Dương Nội đều biết làm diều và chơi diều từ rất nhỏ, đăng ký tham gia lễ hội thả diều hàng năm đều là những tay chơi diều “lão làng” từ khi còn rất trẻ.

Diều do những tay “lão làng” như anh Phạm Văn Tuyến thả có thể đạt độ cao tới 3000m. Lúc đó mắt thường không thể nhìn thấy được diều nữa, tiếng địa phương gọi là diều đã “ăn mây”. Với những con diều này, thành viên Ban giám khảo phải sử dụng ống nhòm để quan sát.

Anh Phạm Văn Khuyến (thí sinh số 45) đến với cuộc thi bằng một con diều có sải cánh 2m9. Anh Khuyến cho biết: “chi phí để làm một con diều không quá cao, tốn kém nhất là khoản đầu tư để mua dây. Loại dây tôi đang dùng có giá 1 triệu đồng cho một cuộn 800m, một lần thi phải chuẩn bị 3-4 cuộn mới tạm đủ”.

Khi diều đã lên đủ cao, lực kéo của dây rất mạnh. Các thí sinh phải sử dụng găng tay để tránh những chấn thương ngoài ý muốn.

Tuy vậy, nhiều khi lực kéo của dây có thể mạnh tới mức làm rách găng tay gây đứt tay, chảy máu. Những tay chơi diều lâu năm dường như đã quá quen với những sự cố như vậy.

Điều kiện tiên quyết để có thể nhận giải nếu thắng cuộc của các chủ diều là phải thu diều và đưa diều quay về sân miếu. Lúc này Ban giám khảo sẽ kiểm tra xem diều có còn nguyên sáo, nguyên mã số của Ban tổ chức. Thí sinh nào thiếu 1 trong 3 điều kiện trên thì coi như bị loại.

Chính vì vậy, phần thu diều còn gay cấn hơn cả phần cho diều cất cánh.

Có bề dày hơn 1 nghìn năm, nổi tiếng khắp nơi với những loại diều, sáo nhưng ở Bá Dương Nội người ta chỉ làm diều để chơi, để giao lưu chứ không bán như một mặt hàng thương mại.

Lễ hội thả diều truyền thống ở Bá Dương Nội mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa. Không chỉ thu hút người dân quanh vùng, hội thi này còn thu hút không ít người chơi diều từ các địa phương khác cũng như khách du lịch nước ngoài tới chiêm ngưỡng.

Lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội

Tuấn Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/gay-can-le-hoi-tha-dieu-o-lang-ba-duong-noi-post1018119.vov