Gây dựng cơ nghiệp từ… bã mía

Học xong đại học về quê làm việc nhưng nguồn thu nhập không như mong đợi nên anh Trần Phúc Hậu (30 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận, thị trấn Bình Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã quyết định thành lập cơ sở kinh doanh.

Anh Hậu giới thiệu chế phẩm vi sinh bột bã mía

Sau nhiều lần thất bại, anh nghĩ ra cách tận dụng nguồn phụ phẩm bã mía để chế ra sản phẩm sinh học bán cho nông dân nuôi tôm thâm canh và bước đầu đã có những thành công nhất định.

Thất bại, nợ nần... nên phải ráng

Anh Hậu kể, năm 2006, anh trúng tuyển vào 2 trường: Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên và Đại học Y dược (ĐHYD) TPHCM và anh chọn theo học bác sĩ (BS) đa khoa của ĐHYD, nối gót anh trai.

Sau 2 năm theo học, vì lý do thị lực kém không thể trở thành BS khoa Ngoại nên anh bỏ học thi vào Trường ĐH Kinh tế. Lý do anh chọn ngành này, bởi trong thời gian học bác sĩ, anh có làm nhân viên kinh doanh và cảm thấy yêu thích công việc này.

Sau khi tốt nghiệp, anh về quê xin việc và sau đó được nhận vào công tác tại UBND thị trấn Bình Đại. Công việc ổn định nhưng nguồn thu nhập không cao, đồng thời ý tưởng khởi nghiệp lại “bùng cháy” nên anh nộp đơn xin nghỉ và ra ngoài kinh doanh. Với 20 triệu đồng vốn, anh Hậu thuê mặt bằng mở cửa hàng bán thuốc và thức ăn thủy sản tại trung tâm thị trấn.

Thời điểm anh kinh doanh cũng là lúc dịch bệnh bùng phát mạnh nên anh… lâm nợ với số tiền trên 200 triệu đồng. “Tôi tìm hiểu và biết được nền kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL là nuôi tôm nên muốn kinh doanh lĩnh vực thức ăn cho tôm. Việc nợ nần do bao tiêu rủi ro giống và thức ăn cho nông dân, nên khi thua lỗ họ không có tiền hoàn vốn cho mình”, anh Hậu nhớ lại.

Nhờ sự động viên không ngừng của người thân, bạn bè anh Hậu đã nghĩ ra cách khắc phục những khó khăn bằng cách chuyển hướng nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học.

Ẵm hàng loạt giải thưởng

Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm, anh Hậu dành thời gian khảo sát thực tế để cải tiến lại sản phẩm bột bã mía phù hợp với đặc thù chăn nuôi của địa phương.

“Nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, tôi mua cái máy xay nhỏ giá 6,5 triệu đồng và thuê người đi gom bã mía đem về sản xuất. Quy trình cũng khá đơn giản: bã mía sau khi xay rồi ủ với vi sinh trong 72 giờ thì có thể bán cho các hộ nuôi tôm, với giá 5.000 đồng/kg. Cứ 1kg nguyên liệu cho ra 3kg thành phẩm”, anh Hậu cho biết.

Theo anh Hậu tính toán, một ao tôm 3.000 m2, mỗi lần sử dụng 30kg bột bã mía chi phí 150 ngàn đồng. Mỗi vụ tôm kéo dài trong 3 tháng, rải 10 lần, tốn khoảng 1,5 triệu đồng, giảm hơn 50% chi phí so với lối nuôi tôm truyền thống.

Đến nay, chỉ riêng khu vực nuôi tôm ở Bình Đại, anh Hậu đã cung ứng sản phẩm cho hàng trăm khách hàng. Đồng thời, sản phẩm của anh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Nam Định, Ninh Bình, Bình Thuận.

Hiện anh Hậu đang ấp ủ ước mơ tạo ra mô hình nuôi tôm bằng thảo dược, không sử dụng hóa chất, chất kháng sinh.

Được biết dự án “Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía, phục vụ trong nuôi tôm thâm canh” của anh Hậu đạt được nhiều giải thưởng như: Giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 3 năm 2017 do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức; giải nhì cuộc thi khởi nghiệp năm 2017 do tỉnh Bến Tre phát động, và giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp ĐBSCL” năm 2017 do VCCI Cần Thơ tổ chức.

Kim Thoa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/gay-dung-co-nghiep-tu-ba-mia-3944810-b.html