Gây nhiễu thông tin

Vừa mới đây có thông tin được đưa trên các trang online rằng ở TPHCM, nếu không phân loại rác có thể bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Hồ Chí Minh: Không phân loại rác bị phạt đến 20 triệu đồng? Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Vấn đề là, thông tin được lan truyền, chia sẻ trên môi trường mạng, khiến cho nhiều người dân cứ tưởng sắp bị phạt tới nơi. Và chỉ cần sơ suất, bất cẩn, lơi lỏng một chút các cá nhân, hộ gia đình có thể bị phạt cả chục triệu đồng theo một quy định của UBND TP vừa ban hành.

Đọc những thông tin nhiễu như trên những người am hiểu về luật và cơ cấu tổ chức của các cơ quan nhà nước có thể thấy ngay sự bất ổn của cách thông tin. Bởi, cấp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với từng trường hợp cụ thể nhưng việc ban hành quy định về việc xử phạt lại không thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố. Thẩm quyền này thuộc về Chính phủ. Mức xử phạt từ 15-20 triệu đồng đối với các cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác được quy định trong Điều 20 Khoản 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18.11.2016 và có hiệu lực từ ngày 1.2.2017.

Còn văn bản vừa được UBND TPHCM ban hành ngày 14.11.2018 là Quyết định số 44/2018QĐ-UBND nhằm ban hành Quy định về chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM. Trong đó, Điều 18 giao cho UBND phường, xã, thị trấn nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến về Quyết định 44 và Nghị định 155, chứ không có nội dung đề cập cụ thể việc tiến hành xử phạt. Bởi, Quyết định 44 có hiệu lực từ ngày 24.11.2018 trong đó đề cập rõ là sau năm 2020 việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mới được triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Còn từ nay đến hết năm 2020, Thành phố sẽ từng bước triển khai phân loại rác tại nguồn theo lộ trình đã định đồng thời tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của người dân về việc này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gây nhiễu thông tin khiến dư luận hiểu không đúng rồi sinh ra lo lắng chính là mầm mống dẫn đến những hệ lụy khó lường, như cố tình làm lệch nghĩa/nội dung, do tiếp cận không đầy đủ văn bản v.v… Mới đây thôi, CEO của Amazon là tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos trả lời nhân viên của mình rằng “nếu một ngày Amazon phải sụp đổ thì chúng ta cũng sẽ cố gắng để ngày đó đến chậm nhất có thể”. Nhưng ý tứ của câu nói có tính chất trấn an này đã được chuyển ngữ và… chuyển nghĩa thành ra vị tỉ phú đang tiên đoán về ngày sụp đổ của Amazon. Một kiểu gây nhiễu thông tin thảm họa!

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/gay-nhieu-thong-tin-642269.ldo