Gây ô nhiễm môi trường như... quân Mỹ tại Afghanistan

Biếm họa của báo Rumani

(CATP) Rahim kiếm sống bằng cách bán tạp hóa cho quân lính nước ngoài, khách hàng chính của căn lều ọp ẹp mà anh ta gọi là “cửa hàng”. Nó bảo đảm cho cuộc sống của vợ và bốn đứa con, nhưng giống những người sống tại Bagram, phía bắc thành phố Kaboul, anh có cảm giác mình đang chết dần. Vừa ho dữ dội vừa chỉ vào đám khói đen và xanh bốc cao lên trời, anh nói: “Chính là không khí. Nó làm cho tôi và cả gia đình phải mắc bệnh”. Với Rahim, rõ ràng thủ phạm là căn cứ không quân Bagram, nơi 30.000 quân Mỹ và đồng minh sống chung với hàng ngàn người ngoại quốc và địa phương được hưởng trợ cấp. Nằm cách thành phố chỉ vài cây số, căn cứ này có một phi đạo lớn, một phức hợp nhà cửa, cả một trung tâm thương mại rất hiện đại, có một nhà hàng Burger King và một Pizza Hut.

Cột khói xuất phát từ chiếc hố khổng lồ mà quân đội Mỹ đốt rác thải của căn cứ. Rahim tin chắc khói độc thoát ra trong lúc đốt rác: “Họ đốt những chiếc TV, radio, điện thoại di dộng và tất cả máy móc điện tử. Chúng tôi đã phản đối kịch liệt. Nhưng chính phủ và cả người Mỹ đều không nghe”. Rahim không phải là người duy nhất lo lắng. Farhad, làm việc cho căn cứ từ năm 2008, kể rằng chiếc hố to bằng nhiều sân bóng đá và họ cứ đốt 24/24 giờ, kể từ khi đến đây cách nay 10 năm.

Không có số thống kê người mắc bệnh gia tăng do đốt rác. Nhưng theo bác sĩ Mustafa Siddiqui tại Kaboul, ảnh hưởng đến sức khỏe dân chúng địa phương là rõ ràng. Việc đốt rác thải từ chất chì, thủy ngân, cadmium có thể gây ra bệnh về đường hô hấp, dị ứng kinh niên và các loại ung thư. Ông nói rõ: “Những người sống gần căn cứ Bagram ói ra máu, khó thở, đau thận và gan”. Steven Markowitz, giáo sư tại trường đại học thành phố New York, cho biết binh sĩ Mỹ từ Afghanistan trở về cũng bị các triệu chứng về đường hô hấp. Ông quy kết là do đốt rác tại các căn cứ quân sự Mỹ. Khi binh sĩ Hoa Kỳ mắc bệnh, chắc chắn những người cộng tác và dân chúng địa phương cũng phải bị theo.

Theo Bộ Quốc phòng, 100.000 lính Mỹ và hàng ngàn người phụ thuộc mỗi ngày thải ra 4,5kg rác. Thiếu tá Robert Mulac, phụ trách quan hệ đối ngoại của quân đội tại Afghanistan giải thích: “Người ta sử dụng hố đốt, bởi vì có nhiều rác thải chất rắn đến nỗi không thể chôn mà không giảm bớt kích thước trước”. Luật pháp của Afghanistan lại không thể áp dụng cho quân Mỹ và đồng minh. Hơn nữa, trong hợp đồng thuê đất còn có điều khoản cấm thanh tra địa phương đến gần các căn cứ này. Điều đó giới hạn hoạt động của chúng tôi, để dẹp bỏ các hố đốt rác tại những căn cứ quân sự khác.

Vì hai đứa con gái mắc bệnh đau đầu gối, Rahim dự định rời bỏ Bagram vĩnh viễn. Nhưng như vậy cũng buộc phải bỏ cửa hàng, cách kiếm sống duy nhất của cả gia đình anh.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=431877&mod=detnews&p=