Gây ra vụ phá rừng quy mô lớn ở Thừa Thiên - Huế, lâm tặc khai gì?

Sau khi xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn ở Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng triệu tập 12 người và có 8 người khai nhận hành vi của mình.

Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn ở Thừa Thiên - Huế, tính đến chiều 17/4, lực lượng chức năng triệu tập 12 người có liên quan và bước đầu 8 người khai nhận hành vi của mình. Trong đó, 4 người thừa nhận cưa xẻ và vác gỗ từ trong rừng ra gồm: Hoàng Văn Q., Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C., cùng trú thôn 4 (xã Thượng Quảng) và Trần Văn Đ. trú thôn Bá Tang (xã Hương Hữu) huyện Nam Đông.

Hoàng Văn Q. khai nhận có cưa xẻ gỗ và nhờ 3 người còn lại là Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. và Trần Văn Đ. vác về để làm nhà. Ông này cho biết, được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm.

Ông Trần Văn Đ. khai giúp đưa gỗ về để tại nhà ông Hoàng Văn Q., xong việc chỉ ăn nhậu, không lấy tiền công. Ông Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. cũng đều khai nhận là đi vác gỗ do ông Q. nhờ, chỉ đi 1 lần và việc cưa xẻ do ông Q. thực hiện ở khu vực khe La Ma.

Lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực rừng ở huyện Nam Đông. (Ảnh: Công Tuấn)

Liên quan đến vụ phá rừng kể trên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông cho biết, đơn vị vừa họp xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến vụ nhiều cây rừng bị chặt phá trái phép.

Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông kỷ luật cảnh cáo với ông Lê Hoàng Hởi - Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Long Quảng. Ngoài ra, 4 người khác là cán bộ của đơn vị này cũng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Ban chỉ đạo 343 (ban này được UBND huyện Nam Đông thành lập để điều tra vụ phá rừng) cho biết, sau khi thành lập, đơn vị khẩn trương cử đoàn công tác phúc tra lại hiện trường các cây bị chặt hạ, đồng thời kiểm tra trên diện rộng rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông và rừng thuộc cộng đồng và UBND xã Thượng Quảng quản lý.

Qua rà soát, tổng số 24 cây gỗ bị chặt hạ, trong đó số cây mới bị cưa hạ là 17 cây, chủng loại gỗ là đào, trâm đỏ, chò; 7 gốc cũ đã chặt hạ từ lâu.

Trong đó, rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông quản lý bị chặt hạ 9 cây (gồm 1 cây chò, 6 cây đào, 1 cây trâm đỏ, 1 cây sến); rừng của Cộng đồng thôn 2 xã Thượng Quảng bị chặt 5 cây đào; rừng của Nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng bị chặt 2 cây đào; rừng UBND xã Thượng Quảng quản lý bị chặt hạ 1 cây chua trường.

Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Nam Đông đã làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, đề nghị thành lập chốt bảo về rừng đóng tại khu vực yết hầu để ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ bằng trâu kéo, hoàn thành trước ngày 3/4 với lực lượng gồm 6 người chốt chặn 24/24 các ngày trong tuần.

Đồng thời, đơn vị xây dựng kế hoạch truy quét bảo vệ rừng từ nay đến ngày 30/4 và tiếp tục kiểm tra trên diện rộng diện tích rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông.

Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông hợp đồng thêm 4 người làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm Nam Đông cũng phân công thêm 1 công chức phụ trách địa bàn xã Thượng Quảng, đồng thời luân chuyển kiểm lâm địa bàn xã Thượng Quảng kể từ ngày 15/4.

Ban Chỉ đạo 343 cũng tham mưu UBND huyện Nam Đông thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra giấy phép hành nghề, hoạt động của 32 xưởng cưa, xưởng mộc trên địa bàn nhằm tuyên truyền các quy định về quản lý lâm sản, nếu phát hiện vi phạm đề xuất thu hồi giấy phép, cho ngừng hoạt động.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục đấu tranh các đối tượng vi phạm để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm theo đúng thực tế. Sau đó, củng cố hồ sơ vi phạm, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

NGUYỄN VƯƠNG

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gay-ra-vu-pha-rung-quy-mo-lon-o-thua-thien-hue-lam-tac-khai-gi-ar766460.html