Gây thương tích 9% vẫn bị xử tội giết người, vì sao?

Mặc dù gây thương tích 9% nhưng việc áp dụng án lệ để tòa tuyên tội giết người trong vụ án là phù hợp.

TAND tỉnh Phú Yên vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Quy Đạo (SN 1999, trú tại huyện Đồng Xuân) và 5 đồng phạm về tội giết người.

Theo cáo trạng, ngày 31-8-2021, Đỗ Quy Đạo cùng Võ Đức Thuận (SN 2001) cùng ba người khác đến chơi tại khu vực kè bờ sông Kỳ Lộ thuộc thị trấn La Hai. Tại đây, Đạo kể cho cả nhóm nghe việc trước đó Đạo bị Nguyễn Hoài Nguyên (SN 2003, trú tại thị trấn La Hai) đánh. Nghe vậy, Thuận điện thoại cho Nguyên thách thức, hẹn đánh nhau, rồi cùng cả nhóm thống nhất đi đánh Nguyên; trong nhóm còn rủ thêm An tham gia.

Sau đó, cả nhóm đem theo dao tự chế, đoạn cây kim loại đi đến chỗ hẹn đánh, chém Nguyên nhiều cái vào vùng đầu làm vỡ mũ bảo hiểm, trúng đỉnh đầu và chân của Nguyên, gây thương tích tỷ lệ 9%.

Đạo và các đồng phạm bị truy tố về tội giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS (phạm tội có tính chất côn đồ).

Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bào chữa cho các bị cáo, có luật sư đề nghị Tòa tuyên bị cáo không phạm tội, có luật sư cho rằng VKS truy tố không đúng, có luật sư đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định các bị cáo dùng hung khí nguy hiểm chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại, mặc dù bị hại không chết nhưng hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội giết người theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Cáo trạng của VKS là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Xét tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân của các bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Đỗ Quy Đạo 8 năm tù, các bị cáo còn lại nhận từ 4-7 năm tù.

Sau khi kết thúc phiên tòa, có ý kiến cho rằng các bị cáo chỉ gây thương tích cho bị hại 9% sao lại bị xét xử về tội giết người?

Về vấn đề này, theo Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại thì: Các bị cáo đã thách thức, hẹn đánh bị hại; sau đó dùng dao tự chế, đoạn cây kim loại là hung khí nguy hiểm chém, đánh vào vùng đầu của bị hại là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Việc bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của các bị cáo.

Do đó, hành vi của bị cáo Đạo và các đồng phạm đủ yếu tố cấu thành tội giết người, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và có tính chất côn đồ.

Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trong xét xử là để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đồng thời, với tội danh và mức hình phạt của tội giết người là rất nghiêm khắc (so với tội cố ý gây thương tích), việc áp dụng án lệ có tác dụng trừng trị, răn đe đối người phạm tội, cảnh báo đối với những ai có hành vi tương tự, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, đảm bảo ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

SÔNG BA

Nguồn PLO: https://plo.vn/gay-thuong-tich-9-van-bi-xu-toi-giet-nguoi-vi-sao-post721405.html