GDP bình quân đầu người khó đạt 3.200 USD vào 2020

Tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200 USD - 3.500 USD.Ủy ban Kinh tế nhận định có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề cho giai đoạn 2016 - 2020, ngoại trừ một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Đó là phân tích của Ủy ban Kinh tế tại báo cáo thẩm tra trình bày trong phiên họp sáng 22/10 của Quốc hội.

Xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức

Nhấn mạnh một số vấn đề của 2018, cơ quan thẩm tra cho rằng cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp và đã xử lý được bước đầu các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên còn gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.

Theo cơ quan thẩm tra thì mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu (gồm cả nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng -VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) xuống dưới 3% vào năm 2020 còn nhiều thách thức. Tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết dứt điểm.

Báo cáo nêu rõ, tình trạng sở hữu chéo khó xử lý với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm do thoái vốn của cổ đông chậm, chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...

Vấn đề tiếp theo được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là việc xử lý một số vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn kéo dài, một số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội chậm được xử lý.

Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm dần theo từng năm, nhưng vẫn còn phức tạp ở nhiều địa phương, tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai. Tình hình xung đột, tranh chấp đất đai diễn ra từ nhiều năm trước có dấu hiệu càng gay gắt, nhưng các cấp chính quyền chưa quan tâm nhiều đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dự các phiên tòa hành chính đã đẩy một số vụ việc càng phức tạp hơn, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Khó đạt nếu không có đột phá

Chuyển sang kế hoạch 2019, cơ quan thẩm tra cho rằng cần cần lưu ý đến những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là những tác động không mong muốn từ bên ngoài do nền kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, độ mở lớn.

Đặc biệt lưu ý sức ép từ tăng giá dầu, lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và những thách thức từ chính nội tại nền kinh tế trong nước như tài nguyên suy giảm, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh còn yếu, chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn ra bất thường cũng có thể tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày.

Nhìn lại cả 3 năm từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 - 2020 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2018. Động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019-2020 xuất phát từ phía cầu vẫn chủ yếu do tăng tiêu dùng nội địa, tăng xuất khẩu nhưng đầu tư trong nước có đóng góp đáng kể hơn, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, động lực tăng trưởng từ phía cung có sự dịch chuyển dần từ công nghiệp chế biến, chế tạo sang dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Năng suất lao động dần cải thiện hơn trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế do cân đối ngân sách sẽ khó khăn hơn, trong khi đầu tư từ các nguồn vốn khác dự báo cũng không tăng nhiều. Kiểm soát lạm phát cũng có khả năng đối mặt với nhiều áp lực hơn.

Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia nhận định có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề cho giai đoạn 2016 - 2020, ngoại trừ một số chỉ tiêu khó đạt được nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Đó là, tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200 USD - 3.500 USD.

Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng chậm, chỉ đạt 86%, trong khi mục tiêu đề ra là tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2020.

Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm giảm 0,5%, trong khi mục tiêu đề ra là 1-1,5%.

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ mới đạt 75,61% tăng không nhiều so với giai đoạn 2011-2015 (72,98%), trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 85%.

Bên cạnh đó, khi quan sát mức thay đổi điểm % tỷ lệ lao động qua đào tạo trong giai đoạn 2016-2018, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu này đến năm 2020. Ngoài ra, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.

Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đánh giá tính hiệu quả của các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 để đề xuất cho việc xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giai đoạn 5 năm tiếp theo, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gdp-binh-quan-dau-nguoi-kho-dat-3200-usd-vao-2020-20181022134704562.htm