GDP năm 2022 của Việt Nam ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra

Sáng 11/10, tiếp tục Phiên họp thứ 16, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tại Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)năm 2023 nêu rõ, kết quả đạt được trên các lĩnh vực theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội.

Trong đó có những kết quả nổi bật như: Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10. Ảnh: Quochoi.vn.

Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10. Ảnh: Quochoi.vn.

Thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo; qua đó khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường khẳng định, năm 2022 Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã thực hiện các giải pháp, trong đó có nhiều nội dung Quốc hội đã chủ động, kịp thời cùng với Chính phủ thực hiện giải quyết những vẫn đề cấp bách trong đời sống, KTXH. Ví dụ Quốc hội đã cùng với Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại cũng như một số vấn đề cần thực hiện, giải quyết.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các báo cáo thẩm tra của Quốc hội cần đánh giá sự đồng hành, sự vào cuộc nhạy bén, quyết liệt của Quốc hội và UBTVQH vào sự điều hành phát triển KTXH....

Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, cần lưu ý một số vấn đề cho năm 2023. Đó là các yếu tố rủi ro suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu như dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ phấn khởi khi thực hiện được 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, chỉ tiêu về BHYT là 92% nhưng đến nay mới đạt được 88%. Để thực hiện được 4% còn lại cần nỗ lực rất lớn, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần bổ sung các giải pháp để thực hiện được chỉ tiêu này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Đối với các chỉ tiêu ngành, trong lĩnh vực lao động, xã hội, 16/16 chỉ tiêu ngành lao động đều hoàn thành; 3/3 chỉ tiêu của ngành y tế đều hoàn thành. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị bên cạnh các chỉ tiêu Quốc hội quyết định cần quan tâm đến các chỉ tiêu ngành.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gdp-nam-2022-cua-viet-nam-uoc-dat-khoang-8-vuot-muc-tieu-de-ra-169221011113538002.htm