GDP tăng đột biến hơn 25%: Độc lập, khách quan

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định tính GDP độc lập, khách quan, không chịu sức ép.

Thông tin trên tờ VietNamnet cho biết, tại một cuộc thảo luận về GDP tổ chức tại Trường Đại học KTQD mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam đã bị "xoay" nhiều quanh câu chuyện GDP tăng đột biến hơn 25%.

GDP tính lại tăng hơn 25%. Ảnh: VnEconomy

GDP tính lại tăng hơn 25%. Ảnh: VnEconomy

Trước những câu hỏi của các nhà khoa học tham gia hội thảo, ông Lâm chỉ khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn độc lập, khách quan và không chịu sức ép của bất kỳ ai”.

Tuy nhiên, ông Lâm thừa nhận cấp địa phương thì có sức ép thật vì địa phương nào tăng trưởng thấp sẽ bị quy là do năng lực điều hành.

"Cách đây ít lâu một lãnh đạo thống kê địa phương tìm ông Lâm để báo cáo việc bị lãnh đạo địa phương dọa cách chức. “Đồng chí Bí thư tỉnh ủy chịu sức ép (tăng trưởng thấp) nên nói (với lãnh đạo cục thống kê), cậu làm như thế là không giúp cho tỉnh thực hiện nghị quyết của tỉnh. Cậu không cẩn thận là tôi lên nói với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Tổng Cục trưởng Thống kê cách chức cậu”, ông Lâm kể.

Ông Lâm khẳng định: “Đừng bao giờ hỏi hay nghi nghờ Tổng cục Thống kê về phương pháp luận. Quan điểm làm thống kê là khách quan, trung thực, đổi mới, vì đất nước”.

Việc tính lại quy mô GDP, khiến GDP tăng thêm 25,4% giai đoạn 2011-2017 khiến các chuyên gia băn khoăn về phương pháp tính cũng như những tác động tới dự toán ngân sách thời gian tới.

Theo chuyên gia thống kê Bùi Trinh, trước đây, GDP của Việt Nam được tính theo phương pháp sản xuất nhưng sau đó đã thay đổi cách tính, dùng cả phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng.

"Tuy nhiên, chúng ta chưa phản ánh chính xác bức tranh kinh tế qua cách tính này khi nhiều khoản như phân bổ trả lãi tiền gửi, trợ cấp cho sản phẩm xuất... chưa được trừ trong bảng cân đối liên ngành", ông Trinh cho biết. Hơn thế nữa, theo ông, đó là còn chưa tính đến việc chúng ta đã để sót một lượng lớn lên tới 76.000 doanh nghiệp trong cả một giai đoạn khá dài.

Ở góc độ khác, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng GDP được tính theo phương pháp nào thì cũng có ý nghĩa và hàm ý chính sách riêng có.

"Nhưng GDP có cái dở là nó chỉ nói được sức sản xuất trong "lòng biên giới", không phân tách được khoản thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài; hay việc đào đường lên rồi lại lấp xuống cũng được tính vào GDP", ông Thành nói và thêm rằng "Điều này có nghĩa rằng phần thu nhập tốt không được phản ánh chính xác trong GDP. Chỉ số thu nhập quốc dân (GNI) làm điều này tốt hơn GDP".

Tuy nhiên, ông Thành lại có nhiều băn khoăn về con số doanh nghiệp được cơ quan thống kê tính thêm vào GDP. "76.000 doanh nghiệp là con số rất lớn, chiếm khoảng 1/10 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Số doanh nghiệp này phân bổ như thế nào, hoạt động ra sao, mức đóng góp vào ngân sách như thế nào cần được cơ quan thống kê giải trình rõ", ông nói.

Ông Thành cho biết, dù thực tế không có quốc gia nào tính được GDP đầy đủ nhưng ông vẫn "sốc" khi nghe thấy con số doanh nghiệp được bổ sung thêm bởi "sai số" này cho thấy những bất cập trong việc phối hợp giữa các bộ ngành trong thống kê số liệu.

Nghĩ gì khi tăng trưởng GDP 2018 cao nhất trong 10 năm?

Trong khi đó, ông Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng tính toán lại GDP sẽ dẫn tới việc tính toán lại loạt chỉ tiêu "ăn theo" GDP như năng suất, đầu tư/GDP, thu chi ngân sách...

Theo chuyên gia tài chính Phạm Đình Cường, quy mô GDP tăng thêm 25,4%/năm là rất cao, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Việt Nam giàu lên. Bởi theo ông, với phương pháp tính như hiện nay thì chỉ có giá trị mang tính so sánh với một số quốc gia chứ không phản ánh mức tăng thêm về vật chất.

An An(tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/gdp-tang-dot-bien-hon-25-doc-lap-khach-quan-3390839/