Gelex báo lãi quý I tăng đột biến

Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021, trong đó phần lãi trong công ty liên kết, liên doanh tăng đột biến lên hơn 126 tỷ đồng.

Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - Mã CK: GEX) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2021 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.413,1 tỉ đồng, tăng 26% so với Quý 1/2020. Tương tự, doanh thu từ hoạt động tài chính của Gelex cũng tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 206,9 tỉ đồng.

Đáng chú ý, lãi từ công ty liên doanh, liên kết của Gelex trong Quý 1/2021 đạt mức 126,4 tỉ đồng, tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do Gelex đã tăng tỉ lệ sở hữu tại Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã CK: VGC) từ 24,96% lên 46,07% trong Quý 1/2021.

Trong khi đó, ngoại trừ giá vốn hàng bán và chi phí tài chính, các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Gelex có xu hướng giảm.

Gelex báo lãi sau thuế Quý 1/2021 ở mức 291,3 tỉ đồng, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 254 tỉ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh của Gelex được kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các quý tới. Bởi lẽ, Viglacera đã trở thành công ty con của Gelex kể từ ngày 5/4/2021 sau khi tập đoàn này hoàn tất việc mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Gelex có hơn 29.947 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là hàng tồn kho (5.043 tỷ đồng), tăng hơn 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra là khoản đầu tư tài chính dài hạn 6.424 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 21.366 tỷ đồng, tăng 12,8%. Mức tăng chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn 13.379 tỷ, tăng 23,5%.

Viglacera đang được xem là “ông trùm” phát triển hạ tầng khu công nghiệp phía Bắc, với việc sở hữu 10 khu công nghiệp nằm ở các vị trí vàng như Tiên Sơn, Yên Phong, Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh); Hải Yên, Đông Mai (Quảng Ninh); Phong Điền (Thừa Thiên – Huế), Tiền Hải (Thái Bình), Phú Hà (Phú Thọ)… với tổng diện tích là 2.520 ha.

Việc đầu tư vào Viglacera là chiến lược đã có tính toán từ trước của Gelex. Bởi lẽ, lĩnh vực bất động sản của Gelex cũng được cho là rất tiềm năng, nhờ quỹ đất lớn với vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội, tuy nhiên phát triển hạ tầng khu công nghiệp lại chưa “có đất dụng võ”.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Viglacera, bà Đỗ Thị Lan Phương – Thành viên Hội đồng quản trị cho biết, Viglacera hiện đang hoạt động mạnh khu vực phía Bắc nhưng lại chưa làm khu công nghiệp phía Nam. Bởi vậy, Gelex sẽ đi phát triển các khu công nghiệp ở phía Nam, hỗ trợ về quỹ đất, còn Viglacera sẽ là nhà phát triển, bán và cho thuê sản phẩm.

Nhìn lại năm 2020, doanh thu thuần của Gelex đạt 17.949 tỷ đồng, tăng 17,2%, lợi nhuận sau thuế đạt 965,8 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả là 18.939 tỷ đồng, chiếm gần 70% khối tài sản 27.121 tỷ đồng của Công ty.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 12.083 tỷ đồng, gấp 1,4 lần số liệu ghi nhận hồi đầu năm. Sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn tới chi phí lãi vay tăng mạnh và giảm lợi nhuận của Gelex.

Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/gelex-bao-lai-quy-i-tang-dot-bien-312706.htm