Geneva áp mức lương tối thiểu cao nhất thế giới

Lo ngại thiếu lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính quyền bang Geneva quyết định áp mức lương tối thiểu 25 USD/giờ bắt đầu từ tháng 11/2020.

 Geneva được xem là một trong những nơi sinh sống đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Geneva được xem là một trong những nơi sinh sống đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Getty.

Theo thông báo từ Chính phủ Thụy Sĩ, 58% cử tri bang Geneva ủng hộ sáng kiến đặt mức lương tối thiểu 23 franc Thụy Sĩ một giờ (tương đương 25 USD) nhằm "chống đói nghèo, tạo điều kiện hội nhập xã hội, và góp phần tôn trọng phẩm giá con người". Số tiền này được trích từ một liên minh các liên đoàn lao động hiện hoạt động tại bang.

Geneva là bang thứ tư ở Thụy Sĩ quy định luật lương tối thiểu, sau Neuchatel, Jura và Ticino, bất chấp việc dự luật chưa được Quốc hội cả nước thông qua.

Tham tán bang, Mauro Poggia cho biết mức lương tối thiểu sẽ được áp dụng cho khoảng 6% công nhân, bắt đầu từ ngày 1/11. Cộng đồng Hành động Công đoàn Geneva, tổ chức bảo trợ của các công đoàn trong bang, mô tả kết quả này "một chiến thắng lịch sử" và "mang lợi ích trực tiếp cho 30.000 công nhân, trong đó 2/3 là phụ nữ".

Phát biểu trên Guardian, Michel Charrat, Chủ tịch Nhóm xuyên biên giới Châu Âu cho rằng, rất nhiều cư dân Thụy Sĩ đã không thể đảm bảo mức sống và thu nhập tại Geneva, khi đại dịch SARS-CoV-2 hoành hành. Ông tin mức lương tối thiểu là để "người dân không rơi xuống dưới mức nghèo khổ", đồng thời nhận định rằng những người dân tại Pháp, giáp với Geneva có thể sang Thụy Sĩ bởi dự luật này.

Trước quyết định lịch sử này, Geneva từng hai lần đưa mức lương tối thiểu ra thảo luận vào năm 2011 và 2014. Trong lần gần nhất, 76% cử tri của bang phản đối con số 22 franc Thụy Sĩ.

Theo CNN, trước dịch SARS-CoV-2, người dân tại Geneva luôn cho rằng họ sống tại nơi đắt đỏ bậc nhất thế giới, và lo ngại bất cứ mức lương sàn nào cũng có thể trở thành cái cớ để doanh nghiệp và giới chủ vin vào để giảm thu nhập của họ. Khảo sát của Cơ quan Tình báo Kinh tế hồi đầu năm 2020 ủng hộ luận điểm này khi xếp Geneva là thành phố đắt đỏ thứ 10 trên thế giới.

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới, nhưng kinh tế nước này không miễn nhiễm với đại dịch. Các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Thụy Sĩ dự báo GDP nước này sẽ giảm 6,2% trong năm 2020, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ lên 3,8%. Đây là mức sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất từ năm 1975. Người dân, thay vì có quyền chọn công việc có lương hấp dẫn, giờ thậm chí phải bon chen để duy trì cuộc sống.

Vào năm 2018, một nghiên cứu của Văn phòng Thống kê Liên bang Thụy Sĩ chỉ ra rằng một gia đình gồm hai người lớn và hai trẻ em dưới 14 tuổi tại Geneva sẽ phải sống chật vật nếu thu nhập của gia đình trong tháng chỉ ở mức 4.000 franc Thụy Sĩ, bởi nó chỉ cao hơn một chút so với mức nghèo là 3.968 franc Thụy Sĩ.

Con số 23 franc Thụy Sĩ (25 USD) được ấn định nhằm giúp tất cả mọi người tránh cảm giác này, dù nó gấp ba lần so với lương tối thiểu của liên bang được Mỹ quy định (7,25 USD/giờ).

Bất chấp cuộc sống đắt đỏ, Hội đồng Nhà nước Geneva, cơ quan hành pháp địa phương phản đối luận điểm rằng mức lương tối thiểu tại Geneva cao nhất thế giới.

Poggia, người phụ trách Bộ An ninh, Lao động và Y tế của bang Geneva cho biết: "Sau hai lần bị khước từ, cuối cùng chúng tôi đã được cử tri ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu hôm 27/9. Chúng tôi tin, thu nhập hơn 4.000 franc Thụy Sĩ một tháng cho 41 giờ làm việc mỗi tuần là đủ vào lúc kinh tế khó khăn này". Ông cũng cho rằng con số này sẽ thay đổi, có thể là bốn năm một lần, tùy vào ý chí của các cử tri.

Từ 22 franc bị từ chối đến 23 franc được chấp thuận, khoảng cách là rất nhỏ. Michael Grampp, Giám đốc hãng kiểm toán Deloitte tại Thụy Sĩ cho rằng chính đại dịch đã tác động không nhỏ tới người dân. Theo nhà kinh tế này, những người có thu nhập thấp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề khi SARS-CoV-2 bùng phát bởi những biện pháp bế quan tỏa cảng từ Chính phủ.

"Không phải ai ở Geneva cũng làm ở ngân hàng hay các nhà máy sản xuất sô-cô-la. Chính những người làm ở các ngành dịch vụ đã góp phần đẩy tỷ lệ ủng hộ lên 60%", ông phân tích. Grampp nhận định, 22 bang còn lại của Thụy Sĩ hoàn toàn có thể theo gương Geneva để ban hành lương tối thiểu.

Charlemagne Hernandez, đồng sáng lập tổ chức Caravan đoàn kết, gồm một nhóm các công ty chuyên cung cấp các tour du lịch lữ hành, khẳng định việc thông qua mức lương tối thiểu ở Geneva là "cần thiết", bởi thất nghiệp đang đe dọa tới rất nhiều lao động có thu nhập thấp.

Hernandez đã tận tay cung cấp khoảng 6.000 đến 9.000 suất ăn miễn phí mỗi tuần trong suốt hè 2020 cho người dân ở Geneva. Từ kinh nghiệm thực tế, ông tin nếu không có những biện pháp cấp thiết, tình hình có thể trở nên tồi tệ vào mùa đông.

"Tôi xuất thân từ một khu ổ chuột ở Manila (Philippines). Sự nghèo đói trên hành tinh này không phải ở đâu cũng giống nhau. Có thể bạn có nhiều tiền trong mắt nhiều người nhưng lại không đủ để mua bữa ăn cho bản thân", Hernandez đáp trả những hoài nghi về nạn đói ở Thụy Sĩ, một quốc gia được xem như biểu tượng giàu có, nơi có rất nhiều tổ chức quốc tế và các văn phòng Liên hợp quốc.

Poggia, Tham tán bang Geneva từ chối bình luận về tác động của mức lương tối thiểu vừa được thông qua. Khi được hỏi về những biện pháp của chính quyền để cứu nền kinh tế, ông đáp: "So với nhiều nước, độ phủ về an sinh xã hội ở Thụy Sĩ rất mạnh mẽ. Tôi tin những tác động của Covid-19 lên nền kinh tế đã và đang được kiềm chế. Tình trạng mất việc ở một số ngành dịch vụ có thể chưa được giải quyết nhưng khi khách du lịch đổ về Geneva trở lại, mọi chuyện đâu sẽ vào đó".

TUẤN ĐỨC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/geneva-ap-muc-luong-toi-thieu-cao-nhat-the-gioi-d274498.html