Ghe hàng bồng bềnh miền sông nước

…Đó là những cửa hàng tạp hóa di động, mà theo đúng cách gọi dân dã là cửa hàng tạp pô.

Ảnh: Trọng Chính.

Không biết những cửa hàng di động này xuất hiện lần đầu tiên khi nào; nhưng khi tôi lên 5-7 tuổi, đã thấy những chiếc ghe hàng này xuất hiện gần như mỗi ngày trên con sông nhỏ chảy êm đềm vắt ngang ngõ nhà tôi ở quê…

Ghim sâu nhất vào ký ức tôi cho đến bây giờ, là hình ảnh chú họ của tôi từ Bến Tre đưa thím tôi vào Cà Mau sinh sống và lập nghiệp. Chú thím tôi là “rổ rá cạp lại”, cho nên ngoài căn nhà tạm che nắng che mưa, chú thím tôi bắt đầu “khởi nghiệp” từ chiếc ghe hàng như thế.

Chiếc ghe hàng của chú thím tôi ngày đó, chỉ là một hình ảnh đại diện sinh động nhất và thật nhất cho vô số những chiếc ghe hàng buôn bán bồng bềnh ở miền Tây sông nước này, trải qua nhiều thăng trầm như dòng chảy ngược xuôi của những con rạch chằng chịt với nhiều bồi lở vốn có của miệt châu thổ chín rồng…

Hàng có mặt trên những chiếc ghe đó, theo thời gian và theo “vốn liếng” của các chủ ghe, cũng có nhiều thay đổi. Quy mô của những chiếc ghe này, không thể sánh như những ghe thương hồ rày đây mai đó được. Thường, những chủ ghe hàng là đôi vợ chồng ở một con rạch hoặc một “ngọn” nào đó, sẵn có phương tiện là chiếc ghe hơi lớn một chút, thêm một ít vốn (cũng không cần quá nhiều)… cứ thế mà lên chợ huyện hoặc những xóm chợ đông đúc rồi “bổ hàng”.

Ngày tôi còn nhỏ, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước; đại đa số cuộc sống của người dân ở quê đều khó khăn, chật vật, thiếu thốn mọi thứ; cho nên thời điểm đó, các ghe hàng này thường ít có hàng dự trữ phong phú, chủ yếu là bán các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết nhất mà thôi; ví dụ như bán đường, đậu, nước mắm, bột ngọt (mì chính), tương hột, mỡ thùng, dầu lửa… mà ôi thôi, đường cát thì đen xì hoặc đường mía thì ướt nhẹp, chảy chèn nhẹt…

Khó quên nhất là hình ảnh những người đờn ông chèo ghe sau lái, những người phụ nữ thì ngồi ở đầu mui ghe rao “ghe hàng đây” “ghe hàng đây” theo từng nhịp nhanh chậm của mái chèo; cũng có khi lui cui bên trong mui ghe với bếp củi hoặc bếp dầu cho bữa ăn thường nhật trên sông nước.

(Đó là ngày xưa chứ bây giờ, các ghe hàng nấu nướng qua bữa bằng bếp gas mini hết rồi). Thời điểm đó, thỉnh thoảng cũng có ghe hàng đi bán bằng xuồng có gắn máy kohler, những xuồng hàng này thường được xếp vào loại “oai nhất vùng” vì gia đình nào khấm khá mới có điều kiện trang bị máy kohler thay cho sức người chèo.

Những chiếc ghe hàng bồng bềnh trên sông nước miền Tây bây giờ đã khác mấy mươi năm trước rất nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần dần được nâng lên, từ nhu cầu ăn no mặc ấm; giờ, bà con quê mình đã biết chuyển sang nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Chính điều này đã làm phong phú hơn nguồn hàng dự trữ của các ghe hàng.

Hình dáng ghe cũng khác, rộng hơn, sạch sẽ và thoáng mát hơn; và đặc biệt, ghe hàng không còn di chuyển bằng chèo tay nữa, tất cả đều dùng máy có gắn động cơ hỗ trợ hết.

Khi giao thông nông thôn đã được đầu tư và nâng cấp, thôn liền thôn, ấp liền ấp; thì việc buôn bán của các ghe hàng có phần chậm lại; vì chỉ cần có một sự chênh lệch giá nhất định nào đó, người tiêu dùng sẽ tự mình chạy xe đi mua hàng ở những nơi khác ngay, không nhất thiết phải mua hàng ở những ghe buôn bán nhỏ này. Đây chính là điểm khác biệt gần như lớn nhất khi tôi tự mình so sánh những chiếc ghe hàng từ 20-30 năm trước với những chiếc ghe hàng thời… @ hiện tại.

Ảnh: Trọng Chính.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, trẻ con ở quê bây giờ so với bọn trẻ con ở quê của chúng tôi ngày trước, cũng là sự “chênh lệch” khá xa, chỉ nhìn qua góc độ ghe hàng này thôi, chưa kể tới những điều kiện khác tác động.

Ngày xưa, mỗi khi nghe tiếng rao văng vẳng của ghe hàng từ rất xa vọng lại, dù đang chơi trò gì, ở đâu, thể nào bọn tôi cũng ù chạy về xin mẹ mấy đồng lẻ 200; 500 để mua kẹo; mà không phải ngày nào cũng được mẹ “mở hầu bao” ít ỏi của mẹ ra để cho đâu… Cũng có nhiều khi bọn trẻ của bọn tôi ngày đó ngậm ngùi nuốt nước miếng nhìn theo nhịp chèo của người đờn ông đứng phía sau lái xuồng mà khoan thai khỏa sóng…

Trẻ con ở quê bây giờ làm gì biết cái cảm giác khát quà vặt đó, bởi bây giờ, chúng cũng không khác gì trẻ con ở thành thị, cái gì cũng có thể dễ dàng mua được ở bất kỳ đâu, không phải mỏi cổ đợi ghe hàng như bọn tôi ngày nhỏ…

Mãi hoài trong ký ức tôi là hình ảnh bữa xa xưa nọ, mẹ tôi gọi ghe hàng ghé lại mua đường mía để thắng nước màu. Mà mẹ tôi cũng chặt dạ thiệt luôn, năn nỉ mẹ cho xin 500 đồng mua bánh lỗ tai heo, mẹ tôi nhất quyết không cho, tôi buồn muốn rơi nước mắt.

Vậy mà trong cái thèm (không phải cái khó) cũng ló cái khôn: Tôi múc sẵn nước mưa đổ đầy cái chén có kẽ viền xanh phía gần trên miệng chén, khi mẹ tôi bỏ đường vào chảo và bắt đầu đốt củi cho đường mía tan dần ra, khi đường tan dậy lên màu vàng đều, thơm nức, tôi liền nhón gót chân lên cho cao gần bằng ông táo và lấy muỗng múc một muỗng đường đang sôi thật đầy ngâm liền vào chén nước mưa đã để sẵn… Chỉ vài phút sau, muỗng đường nguội và đặc cứng lại trong chén nước, thế là tôi đã có kẹo…

Những chiếc ghe hàng bồng bềnh trên sông nước nơi miền Tây quê tôi…, giờ vẫn đang còn hiện hữu. Lần về quê gần nhất vừa rồi, khi nghe tiếng rao hàng, tôi giật mình như chạm miền ký ức dày khao khát cũ… Và bây giờ, nếu không được mẹ cho tiền như hồi đó, tôi tin mình sẽ có cách làm cho muỗng đường trên chảo mẹ đang thắng nước màu ngon hơn, thơm hơn…

Cà Mau, tháng 11/2019

HUỲNH THÚY KIỀU

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ghe-hang-bong-benh-mien-song-nuoc-post255696.html