Ghé mấy nơi từng in dấu Bác Hồ

Từng trẩy non nước Cao Bằng với thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, vào tận Trùng Khánh để trải nghiệm mùa dẻ chín, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi về miền biên ải Việt - Trung này lại là Pắc Bó. Tôi đã lặng yên ngồi ngắm suối Lê Nin, núi Các Mác, leo vào hang Cốc Bó… Và thật sự xúc động nhìn thạch bàn, nơi Bác Hồ ngồi dịch lịch sử Đảng. Thế rồi tôi quyết định nương theo lối mòn leo lên cột mốc biên giới số 108 - nơi mà sau gần 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, trưa 8-2-1941, Người bí mật quay trở về đất mẹ để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Thúy Hồ - điểm hẹn của cuộc gặp giữa Bác Hồ với 2 phái viên Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vào tháng 4-1940

Tôi đã phải mấy lần ngồi bệt xuống đất thở dốc mới leo lên được cột mốc mang dấu ấn lịch sử này và cảm thấy quá đỗi cảm phục cuộc hành trình gian khổ mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi tìm ra được đường lối cứu nước trong lúc quay về đã phải trải qua.

Các tài liệu lịch sử cho biết: Bác Hồ rời Liên Xô lần thứ 3 vào cuối thu năm 1938, đến được Trung Quốc với bao vất vả, gian truân. Mãi đến tháng 2-1940, Bác Hồ mới bắt liên lạc được với Trung ương Đảng trong nước tại Côn Minh và Người đã ở lại đây 4 tháng. Hơn 4 năm sau, vào tháng 10-1944, Bác Hồ trở lại thủ phủ của tỉnh Vân Nam ngày nay với tư cách là người đại diện cao nhất của Mặt trận Việt Minh tiếp xúc trực tiếp với Bộ Tư lệnh không quân Mỹ số 14.

* Nơi lần đầu tiên bác Giáp gặp Bác Hồ

Tôi đến Côn Minh sau những sự kiện quan trọng này đến hơn 70 năm. Côn Minh bây giờ là thành phố du lịch quốc tế được mệnh danh là “Xuân Thành” (thành phố mùa xuân) với khí hậu quanh năm mát mẻ. Giống như Hà Nội, TP.Côn Minh có khá nhiều hồ nước mang cảnh sắc lơ thơ tơ liễu buông mành, nhìn thật hữu tình, thơ mộng. Nổi tiếng nhất là Thúy Hồ, được mệnh danh là “viên ngọc của thành phố”, nơi đầu đông hằng năm có hàng đàn hải âu từ Sebiria vượt ngàn dặm về đây tạm trú, tạo nên một sinh cảnh kỳ thú.

Tại bến Thúy Hồ xinh đẹp này, vào một buổi chiều cuối tháng 4-1940, ông Phùng Chí Kiên, đại diện Ban Hải ngoại và Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Vân Nam đã đưa hai phái viên của Thường vụ Trung ương Đảng ở trong nước cử sang gặp người có mật danh là “đồng chí Vương”. Khi chiếc du thuyền đã tách xa bờ, “đồng chí Vương” mới xuất hiện. Ông chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Mới đặt chân đến vài nơi gần gũi trong hành trình vạn dặm của Người đi tìm đường cứu nước; nơi nào từng in dấu chân Bác Hồ, tôi đều nhận ra được bài học đầy ý nghĩa mà Người để lại.

Hai phái viên Trung ương Đảng vừa vượt biên giới qua đường Lào Cai đến Côn Minh là Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp). Phạm Văn Đồng là học viên “lớp chính trị đặc biệt” ở Quảng Châu năm 1926 nên nhận ra ngay “đồng chí Vương” là Lý Thụy. Còn Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên mới được gặp mặt người thầy cách mạng Việt Nam nên hết sức vui mừng.

Cũng trên chiếc du thuyền ở Thúy Hồ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lấy tên Hồ Quang ký giấy giới thiệu cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đi Diên An để nghiên cứu lý luận cách mạng và đường lối quân sự cách mạng giải phóng dân tộc. Tôi biết được những tình tiết thú vị này qua đọc cuốn Bác Hồ ở Quảng Tây do nhà báo Phạm Quý Thích dày công sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn, được NXB Công an nhân dân ấn hành vào năm 2007.

Khi đến Côn Minh của Trung Quốc, lần đầu tiên tôi được ngắm hoa anh đào nổi tiếng của Nhật. Ngoài những hoa viên có tầm quốc tế, Côn Minh có một nhà hàng ca múa cung đình Dạ Yến Vũ Jixin lớn hàng đầu thế giới, từng đón tiếp trên 20 vị nguyên thủ quốc gia. Tôi đã phải chi 200 nhân dân tệ để có được một chỗ ngồi nơi đây. Khai vị là món “Cross bridge rice noodles” (Mì qua cầu) truyền thống được bán từ ngoài đường phố đến chuỗi “Restaurants of The Brother Jiang” được chuẩn hóa không thua gì Mc Donald khắp TP.Côn Minh.

* Từng có một chi bộ Đảng Cộng sản

Cũng ở Trung Quốc, tôi rất bất ngờ khi đặt chân đến Đông Hưng (Quảng Tây). Có lẽ không một thành phố nào ở nước ngoài mà tôi đã đi qua lại sử dụng tiếng Việt nhiều như nơi đây. Tất cả bảng hiệu quảng cáo, thông báo đều có phần tiếng Việt. Bất ngờ hơn từ Đông Hưng tôi thử gọi điện thoại di động về nhà tận Biên Hòa vẫn nghe rõ mồn một.

Tôi càng đặc biệt thú vị khi biết là Bác Hồ đã từng đi bộ qua cầu Bắc Luân để bất ngờ xuất hiện ở Đông Hưng trước sự ngỡ ngàng của chính quyền sở tại (theo lời kể của Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn). Theo đó, sáng 20-2-1960 sau khi dự mít tinh tại TP.Móng Cái (tỉnh Hải Ninh, nay là Quảng Ninh), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Trần Quốc Hoàn và ông Hoàng Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh; Lý Bạch Luân, Chủ tịch tỉnh đến thăm một lò sứ và đồn biên phòng bên bờ sông Bắc Luân. Đứng trên cầu, Bác Hồ lặng ngắm dòng sông xanh biếc, phía trên là ngã ba chia một nhánh chảy ra sông Ca Long, còn một nhánh là sông Bắc Luân - dòng sông biên giới này một bên là TP.Móng Cái, một bên là Đông Hưng, phía Bắc là dãy Thập Vạn Đại Sơn...

Ghé vào thăm một trường tiểu học ở Đông Hưng, Bác Hồ đã làm cho Bí thư Hoàng Chính và lãnh đạo Đông Hưng bất ngờ khi cho biết là năm 1926 ở đây có chi bộ Đảng Cộng sản do cô giáo có bí danh “Xám xẻ” (chị Ba) làm bí thư. “Xám xẻ” là con gái của chủ nhiều lò chén bát rất nổi tiếng ở Đông Hưng và Móng Cái. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Chính ngạc nhiên vì lâu nay ông cứ nghĩ là vào thời chống Pháp, Tỉnh ủy Hải Ninh bị địch o ép quá, có một bộ phận phải dạt sang Đông Hưng và xây dựng cơ sở Đảng ở Giang Bình nơi có đông người Việt, khi Trung Quốc giải phóng đã bàn giao cơ sở Đảng này và bạn xem đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở Đông Hưng.

* Bác Hồ “Long hành hổ bộ”

Trong một lần lang thang bên nước Lào, do mải mê nấn ná hết ở cố đô Luang Prabang lại tạt sang Vieng Vang - khu du lịch quốc tế của Vương quốc Triệu Voi nên khi tôi về đến Vientaine thì đã 17 giờ 30. Thấy thời gian không còn nhiều mà có một nơi không thể không đến; tôi bèn tiếp tục ngồi xe liên vận Lào - Thái đi Udon Thani cách đó chỉ hơn 60km.

Một góc đường trong TP.Udon thani vùng Đông Bắc Thái Lan

Thời tiền khởi nghĩa, Udon là “trung tâm của cuộc vận động Việt kiều ở Xiêm”; do đó mùa thu năm 1928, Bác Hồ có mặt tại vùng Đông Bắc Thái Lan này với tên gọi là ông “Thầu Chín” (Thầu là cách gọi tôn kính của người Lào). Đầu tiên Bác đến Phichit; nhưng chỉ ở đây khoảng 10 ngày rồi lại đến Udon Thani. Từ Phichit đến Udon, phải đi bộ theo đường rừng đất đá lởm chởm, mất nửa tháng. Do vậy, mỗi người đi phải gánh hai thùng đựng chục ký gạo, quần áo, đồ dùng cá nhân; đồng thời còn phải mang bên mình một con dao đi rừng, một ống cheo (đựng thịt gà hoặc sườn heo băm nhỏ rang muối).

Thấy Thầu Chín chưa quen đi bộ mà cũng không biết gánh nên anh em không để cho ông gánh. Nhưng Thầu Chín không chịu. Ông gánh với đôi thùng đong đưa trên vai, còn hai chân bước liêu xiêu. Mấy ngày sau, trong lúc ngồi nghỉ, anh em thấy hai bàn chân Thầu Chín sưng vù và rướm máu. Hỏi ra mới biết, ngay trong ngày đầu, chân và vai của ông đã phồng rộp, nhưng ông cứ thản nhiên như không có việc gì. Thầu Chín còn nói vui “Thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên! Cứ để thế đi một vài hôm nó sẽ thành “dạn”, đừng, đừng ngại…”. Quả nhiên, từ ngày thứ tư trở đi, Thầu Chín đã theo kịp mọi người. Sau đó, Thầu Chín đáp lời ngợi khen việc ông đi bộ giỏi một cách ung dung: “Hừ! Bây giờ thì mình “long hành hổ bộ” rồi!”. Thật vậy, sau đó từ Udon Thani đến Xavang dài 71km, Bác Hồ chỉ đi trong một ngày.

Udon Thani giờ đây hoành tráng và lộng lẫy đến khó ngờ. Tôi vác ba lô to đùng đi giữa phố xá rộng thênh thang với những trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang rực rỡ; mà trong túi không có đồng bath nào (do vội quá quên đổi tiền, và đã hơn 21 giờ thứ bảy nên các ngân hàng đều đóng cửa). Rất tai hại là tôi không tìm thấy nhà trọ nào. Nhớ đến chuyện Bác Hồ luyện rèn nghị lực trong việc đi bộ, gánh gồng đến Udon, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vác ba lô rảo bước trong thành phố xa lạ. Đến hơn 22 giờ, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra được đồng hương - những người Việt xa xứ, còn bập bẹ nói được tiếng mẹ đẻ đã giúp đỡ tôi hết sức tận tình...

Bùi Thuận

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202205/ghe-may-noi-tung-in-dau-bac-ho-3117172/