Ghé thăm chùa Tam Chúc ở 'Vịnh Hạ Long trên cạn'

Khu du lịch Tam Chúc (Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) được mệnh danh là 'Vịnh Hạ Long trên cạn' với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, vẻ ngút ngàn và đẹp như cõi mộng, nơi mà những ai đặt chân đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường. Đặc biệt, Chùa Tam Chúc với thiết kế độc đáo và có trồng cây bồ đề 2.250 tuổi được chiết ra từ 'Cây Bồ Đề Vĩ Ðại Cát Tường' (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, cố đô Anuradhapura, Sri Lanka... sẽ là nơi đăng cai Đại lễ Veskas năm 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới).

Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Ảnh: Huyên Nguyễn

Vẻ đẹp huyền bí nơi cảnh tiên “Vịnh Hạ Long trên cạn”

Tam Chúc là vùng núi đá vôi ngập nước rất độc đáo, với phong cảnh nước non hùng vĩ. Đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, sơn thủy hữu tình, đẹp như cõi mộng. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Tam Chúc còn được rất nhiều nhà phong thủy đánh giá là vùng đất địa linh bởi ở thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Bởi thế, Tam Chúc được ví như "Vịnh Hạ Long” trên cạn.

Chùa Tam Chúc là một trong những công trình tọa lạc trên diện tích gần 5.000ha của Khu Du lịch Tam Chúc, dựa vào núi hướng ra hồ nước được đánh giá là ngôi chùa rất đặc biệt, “tiền lục nhạc, hậu thất tinh”. Chùa Tam Chúc, mặt trước là hồ nước ngọt tự nhiên, nằm trong số những hồ nước tự nhiên rộng nhất nước ta, với dãy núi đá vôi bao bọc quanh khu hồ. Giữa lòng hồ có 6 quả núi nhỏ nhô lên, tạo thành những hình thế kỳ vĩ. Dân gian lưu truyền sự tích 6 quả núi gọi là lục nhạc, địa thế đẹp của một vùng địa linh sơn thủy hữu tình, có núi có hồ. Mặt sau, hậu thất tinh nghĩa là đằng sau có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh trăng về ban đêm.

Một điều đặc biệt nữa, Chùa Tam Chúc được xây dựng với hàng nghìn bức tranh bằng đá được ghép tỉ mỉ, cẩn thận bởi đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề. 12.000 bức tranh đá miêu tả các sự tích của Đức Phật được những người Hồi giáo Indonesia tạc bằng đá núi lửa ở Indonesia sau đó đưa sang Việt Nam. Ngoài ra, Chùa Tam Chúc còn thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn.

Trên trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế. Những ngôi điện, các pho tượng Phật tại chùa Tam Chúc có diện tích, kích thước rất lớn. Đáng chú ý, Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh đang được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo có thiết kế hết sức công phu. Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc.

Quần thể khu du lịch Tam Chúc, Ba Sao thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa nghìn năm tuổi với vẻ hùng vĩ của non nước bao la.

Cây bồ đề 2.250 tuổi được chiết ra từ “Cây Bồ Đề Vĩ Ðại Cát Tường”(Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Ảnh: Huyên Nguyễn

Bồ đề hơn 2 nghìn năm tuổi - sứ giả của tình hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka

Không chỉ được xây dựng nơi non nước hữu tình, Chùa Tam Chúc còn đang trồng cây bồ đề có tuổi thọ lớn nhất thế giới do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam. Cây bồ đề này được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi), ở Thánh tích Mahamegha, Cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Cây bồ đề này có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay và được coi là báu vật của quốc đảo này.

Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết: Đối với nhà Phật, cây bồ đề tượng trưng cho sự giác ngộ tâm Phật, tâm thiện của mình. Chính vì thế đối với các nước Phật giáo Nam truyền hay phật giáo nguyên thủy, cây bồ đề được coi trọng như Đức Phật. Khi sang các nước Phật giáo, cây bồ đề, tượng Phật và bảo tháp có giá trị như nhau. Bồ đề có nghĩa là giác, con người khi giác ngộ thì thành Phật, đề cao tỉnh giác, sự giác ngộ. Bên cạnh đó, cây bồ đề trồng tại Chùa Tam Chúc còn đánh dấu sự kiện Đại lễ Vesak 2019, cũng thể hiện quan hệ Phật giáo giữa 2 nước Việt Nam - Sri Lanka và là sự kiện rất hiếm về trao đổi văn hóa. Hiện trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 2 sau Nepal được tặng cây quý này.

Trong bức thư gửi cho Việt Nam nhân sự kiện thỉnh cây bồ đề quý về Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka viết: “Tôi rất vinh dự được gửi thông điệp chào mừng sự kiện lịch sử Sri Lanka tặng cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề tổ linh thiêng của đất nước chúng tôi cho Việt Nam trồng tại chùa Tam Chúc. Cây bồ đề sẽ là một vị sứ giả của tình hữu nghị lâu bền giữa hai đất nước chúng ta, góp phần thắt chặt sự giao lưu văn hóa giữa hai đất nước. Cầu mong cây bồ đề thiêng này sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam của các bạn”.

Được biết, khi xây dựng xong, Chùa Tam Chúc có thể sẽ là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới.

huyên nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ghe-tham-chua-tam-chuc-o-vinh-ha-long-tren-can-634327.ldo