Ghé thăm đền Công Đồng Bắc Lệ, ngôi đền cổ linh thiêng tại Lạng Sơn

Đền Công Đồng Bắc Lệ, Lạng Sơn là địa chỉ du lịch tâm linh quen thuộc của nhiều du khách gần xa. Nơi đây cũng được coi là một trong tám ngôi đền linh thiêng nhất ở nước ta, chứa đựng những nét đẹp trong văn hóa tâm linh, phong tục thờ cúng và lễ bái tổ tiên đã có cả ngàn đời nay.

Đền Công Đồng Bắc Lệ hay còn gọi là đền Bắc Lệ là quần thể di tích tọa lạc trên một quả đồi ở thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Xung quanh đền có rất nhiều cây cổ thụ xanh mát, che phủ cả một khoảng không rộng lớn.

Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, du khách chỉ cần di chuyển theo hướng Tây Nam khoảng 70km là sẽ đến được đền. Đường lên đền khá xa nên du khách có thể kết hợp tham quan và nghỉ ngơi tại huyện Hữu Lũng, một huyện miền núi nằm ở phía nam tỉnh Lạng Sơn, nơi đây cũng có cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.

Đền Công Đồng Bắc Lệ hay còn gọi là đền Bắc Lệ là quần thể di tích tọa lạc trên một quả đồi ở thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Ngôi đền này được coi là một trong ba nơi thờ chính của Bà Chúa Thượng Ngàn - một trong những vị được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Việt Nam. Ngôi đền cũng thường được du khách thập phương gần xa thường xuyên ghé thăm để cầu bình an, tài lộc, công danh và may mắn.

Đến thăm đền Công Đồng Bắc Lệ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một không gian văn hóa tâm linh với lối kiến trúc cổ đầy độc đáo, ấn tượng. Công trình này được đánh giá là một trong những nơi thể hiện rõ nét nhất văn hóa thờ Mẫu tại nước ta, mang đến không gian mới lạ cho nhiều du khách muốn đến tham quan và tìm hiểu về nét văn hóa này.

Đền Công Đồng Bắc Lệ được xây dựng từ thế kỷ XVI – XVII, đến nay đã trải qua năm lần tu sửa, tôn tạo. Dẫu vậy, giống như rất nhiều ngôi đền khác ở miền Bắc Việt Nam, đền Bắc Lệ vẫn mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc cổ xưa. Đây là công trình có sự giao thoa giữa văn hóa thờ cúng và lối xây dựng đền của Việt Nam và Trung Hoa. Điều này được thể hiện rõ qua các chi tiết như: cột đền làm bằng gỗ, những bức hoành phi, những câu đối được sơn son thếp vàng đầy tỉ mẩn, tinh tế… Các cột chống, bảng hiệu, chữ viết trên mái,... lại mang đậm phong cách đền cổ của nước ta.

Nơi đây có gian thờ khoảng 10m2 thờ Chầu Bé Bắc Lệ, phía Đông Bắc có bàn thờ Ngũ Hổ ngoài trời. Đi bộ từ dưới đồi lên, du khách sẽ đi qua cổng tam quan nguy nga, tráng lệ trước khi đặt chân vào khuôn viên bên trong đền. Du khách thường bái miếu Chầu Bé Bắc Lệ ở phía tay trái để dâng hương, xin được bái kiến lên Cửa Mẫu và chư thánh tại đền. Trong miếu có tượng Chầu Bé, tượng Cô Bé Bắc Lệ và tượng Cậu Bé Bắc Lệ.

Nơi đây có gian thờ khoảng 10m2 thờ Chầu Bé Bắc Lệ

Sau khi viếng tại miếu Chầu Bé, băng qua các bậc thang là du khách sẽ đến được đền chính. Đền Bắc Lệ chính được thiết kế giống với ngôi nhà ba gian, bao gồm ba cung: Đệ Nhất – Đệ Nhị – Đệ Tam (cung cấm) có diện tích khoảng 125m2. Ngôi đền này được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh, sau khu vực tiền tế là hậu cung uy nghiêm, yên tĩnh và đầy thành kính.

Mái đền được thiết kế theo lối “Long triều lưỡng nghi”, trong đó, “lưỡng nghi” với ý nghĩa tượng trưng cho đất trời, có dương có âm, âm dương kết hợp hài hòa sẽ sinh sôi vạn vật. Khu vực nhà bái chính được thiết kế thành năm gian, ba gian ngoài thờ Ngũ Vị Tôn Quan, còn khu vực phía trên thờ Hưng Tiên Hiền Từ.

Câu chuyện về Bà Chúa Thượng Ngàn được người dân nơi đây lưu giữ qua nhiều thế hệ. Được biết, bà là con gái của thần núi Sơn Tinh với công chúa Mỵ Nương. Vào thời Lê Lợi, bà đã hiển linh hóa thành bó đuốc dẫn đường cho quân và dân ta đánh thắng giặc ngoại xâm. Sau khi Bình Ngô đại thắng, Lê Lợi lên làm vua, ngài đã lập ra đền Bắc Lệ để thể hiện lòng thành kính và biết ơn công lao của bà.

Chị Võ Thị Trang, một người dân sống tại xã Bắc Lệ cho biết: “Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn đã được biết đến là nơi chính thờ Mẫu từ hàng trăm năm nay, nên dù là mùa lễ hội hay ngày thường thì chúng tôi cũng đón rất nhiều khách thập phương xa gần về cúng bái. Cảnh vật nơi đây thanh tịnh, rất phù hợp với những ai muốn rời xa sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố để về với Mẫu, cầu mong bình an, thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên’’.

Đến đền Bắc Lệ, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm, cùng các pho tượng thần được được điểm trang cầu kỳ, tinh xảo. Trong đền có 19 pho tượng lớn nhỏ làm bằng gỗ, các ban bệ cũng được làm bằng các loại gỗ quý. Phần xà nhà cũng có các loại hoa văn cùng hình tượng mãng xà - nét đặc trưng trong văn hóa thờ cúng tâm linh của người Việt ta.

Dịp đầu năm hoặc khoảng tháng 9 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội tại đền Bắc Lệ. Lễ hội sẽ được tổ chức trong ba ngày liên tiếp để tiếp đón du khách thập phương đến thưởng ngoạn, lễ bái và vui chơi. Du khách sẽ được tham dự lễ hội rước Mẫu Thượng Ngàn lên đền, được chiêm ngưỡng nhiều lễ cúng và màn hát chầu văn vô cùng thú vị.

Trước khi diễn ra lễ hội, đội thực hiện nghi lễ sẽ tiến hành các nghi thức như: lau tượng Thánh Mẫu và Ngọc Hoàng, chuẩn bị các mâm cỗ chu đáo: hoa quả, xôi, gà luộc, đồ lễ vàng mã, ngựa giấy… Sau đó, đội bê lễ sẽ khiêng kiệu Mẫu đi xung quanh từ cổng vào đến đền chính, kèm với đó là tiếng chiêng, tiếng trống hòa, tiếng nhạc cung đình khiến nghi lễ thêm phần náo nhiệt và thành kính.

Dịp đầu năm hoặc khoảng tháng 9 âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội tại đền Bắc Lệ. Lễ hội sẽ được tổ chức trong ba ngày liên tiếp để tiếp đón du khách thập phương đến thưởng ngoạn, cúng bái và vui chơi.

Chị Nguyễn Thị Triệu, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mình rất thích nghe chầu văn, được nhìn các cô các cậu nhảy múa, diễn lại các điển tích, điển cố đã từng diễn ra trong lịch sử. Vì vậy, năm nào mình cũng sắp xếp công việc để đến thăm và dâng hương tại đền Bắc Lệ, vừa để được nghe hát chầu văn qua các giá lễ, vừa để thưởng thức cảnh đẹp và sự yên bình, mùi hương khói thơm ngào ngạt ở nơi đây’’.

Khi đến viếng đền Bắc Lệ, du khách nên ăn mặc lịch sự, để phù hợp chốn linh thiêng và để tiện đi lại. Trong quá trình dâng hương, du khách thập phương nên dâng lễ đủ ở các miếu thờ cô, cậu, thờ tam tòa cũng như ở cả hậu cung. Du khách không nên mang theo quá nhiều đồ vật không cần thiết và cần chú ý bảo quản đồ đạc của bản thân.

Đến và trải nghiệm văn hóa tại Lạng Sơn, ngoài đền Công Đồng Bắc Lệ du khách có thể ghé thăm đền Mẫu Đồng Đăng, Chùa Thành, Chùa Tam Thanh Nhị Thanh và nhiều điểm di tích văn hóa nổi tiếng khác ở nơi đây.

T.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ghe-tham-den-cong-dong-bac-le-ngoi-den-co-linh-thieng-tai-lang-son-post285856.html