Ghép gan thành công cho bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất Việt Nam

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công một ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất (1 tuổi) và nhẹ cân nhất (6,7kg) từ trước tới nay.

Theo BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi T.V.H.V ở Mỹ Lộc, Nam Định được chẩn đoán vàng da, ứ mật từ lúc 3 tháng tuổi do hội chứng rối loạn chuyển hóa mật hiếm gặp PFIC type 2. Bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị, xuất hiện các triệu chứng vàng da nặng, gan lách to, suy gan và thường xuyên phải nhập viện điều trị các triệu chứng suy gan. “Nếu không được ghép gan kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong vì các biến chứng của suy gan”, BS Anh Hoa cho biết.

Bệnh nhi hỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất Việt Nam sau ghép gan 20 ngày

Bệnh nhi hỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất Việt Nam sau ghép gan 20 ngày

Rất may là bố mẹ bé T.V.H.V đều có gan phù hợp có thể ghép cho cháu nên sau khi bàn bạc, bố bé sẽ là người hiến gan cho cháu. Tuy nhiên, trước kỹ thuật ghép gan thì khó khăn nhất mà các bác sĩ băn khoăn chính là cân nặng của cháu mới chỉ có 6,7 kg.

TS.BS Phạm Duy Hiền, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Nhi TW cho biết: “Chúng tôi chỉ thực hiện ca ghép khi đảm bảo được tỷ lệ thành công cao. Vì một ca phẫu thuật ghép gan không đơn giản là tốn về chi phí điều trị mà còn có đến hai người trong cùng một gia đình cùng lên bàn mổ. Mặt khác, bệnh nhi chưa tròn 1 tuổi, cân nặng chỉ 6,7kg, đây thực sự là thách thức về kỹ thuật đối với các phẫu thuật viên ghép tạng".

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện, 40 y bác sĩ với sự hỗ trợ về chuyên môn của nhóm chuyên gia ghép tạng, GS Chin-Su Liu - Trưởng khoa phẫu thuật Nhi và các cộng sự tới từ bệnh viện Taipei Veterans General Hospital, Đài Bắc đã thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhi sáng 1/4.

Sau 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã ghép thành công một phần gan trái của người bố cho em bé với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là kích thước một số mạch máu vô cùng nhỏ (chỉ khoảng 1,3mm) của em bé mới chỉ 6,7kg.

“Với các mạch máu có kích thước nhỏ, phải nối dưới kính hiển vi điện tử, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất cao. Đây là không chỉ là cơ hội vàng để cứu cháu bé, mà đồng thời cũng là cơ hội để bác sĩ tiếp tục được học hỏi kỹ thuật ghép gan ở trẻ nhỏ từ các chuyên gia hàng đầu như GS Chin-Su Liu", TS Hiền cho biết.

Sau ca ghép, việc đảm bảo chức năng khối ghép hoạt động tốt là một chặng đường dài. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức ngoại trong sự lo lắng và chờ đợi của các y bác sĩ. Tất cả các hoạt động của bé, dù nhỏ nhất như phân, nước tiểu, nhiệt độ… đều được ghi nhận và thông báo tới toàn ê kíp. Tuy nhiên, điều nằm ngoài dự đoán của các bác sĩ là 13 ngày “hậu” ghép gan, cháu bé đi phân bạc trắng. Phải đến ngày thứ 14, cháu bé mới đại tiện phân màu vàng và đó là tín hiệu vui cho thấy phần nào trong việc ghép gan bởi mật đã lưu thông tốt.

Chia sẻ lại cảm giác khó khăn trong quá trình ghép gan, TS. Hiền cho rằng mức cân nặng dưới 7kg để tiến hành ghép gan là cực kỳ khó khăn. Đến nay, BV Nhi Trung ương đã thực hiện được 14 ca ghép gan cho trẻ em. Trong đó, chỉ trong vòng 10 tháng, từ tháng 7/2018 đến nay, GS Chin-Su Liu đã sang Việt Nam hỗ trợ thực hiện thành công 3 ca ghép gan, trong đó có 2 ca đòi hỏi kỹ thuật cao trong ghép tạng gồm 1 ca ghép bất đồng nhóm máu, 1 ca cân nặng thấp.

Những trường hợp ghép gan thành công như vậy, theo TS Phạm Duy Hiền, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Ban giám đốc Bệnh viện Nhi TW và sự nỗ lực của các y bác sĩ trong việc từng bước nâng cao trình độ, thực hiện được các kỹ thuật y khoa tiên tiến, thực hiện các phẫu thuật phức tạp với kinh phí điều trị cao nhằm mục đích cứu chữa người bệnh.

Nguyễn Bách

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ghep-gan-thanh-cong-cho-benh-nhi-nho-tuoi-va-nhe-can-nhat-viet-nam-534026.html