GHÉT CAY GHÉT ĐẮNG ai trêu đùa trẻ ác ý: 'Cháu không phải con đẻ, bố mẹ nhặt cháu ở bãi rác về'

'Đây không phải là bố mẹ cháu', 'Cháu không phải con đẻ, mẹ nhặt cháu ở bãi rác đem về nuôi'… Đó là những lời trêu đùa vô cùng ác ý mà nhiều trẻ em Việt bị người lớn 'rót vào tai' hàng ngày.

Hồi nhỏ, không biết bao nhiêu lần tôi gào lên “Không phải!!!” khi bà hàng xóm nói: “Cháu nhầm rồi! Đây không phải bố mẹ ruột, cháu được nhặt ở bãi rác”.

Có người ác mồm ác miệng còn trêu “Mẹ nhặt mày ở bãi phân trâu”. Có bà còn bảo “Cháu không có nét nào giống mẹ, không phải là con ruột đâu”.

Từ những lời trêu đùa đó, tôi bắt đầu cảm thấy đặt câu hỏi về thân phận thật sự của mình và hoài nghi chính bố mẹ mình. Tôi là ai? Tôi có phải con của bố mẹ không?

Thỉnh thoảng, tôi tưởng tượng đến cảnh một ngày nào đó có vài người lạ mặt xuất hiện. Họ nói họ là bố mẹ đẻ của tôi rồi bỗng dưng “bốc” tôi ra khỏi nhà. Tôi sẽ sợ hãi, gào khóc: “Con không đi đâu hết! Con chỉ ở với mẹ Lý thôi! Mẹ Lý mới là mẹ của con!”.

Rất nhiều lần mẹ hỏi dò tôi: “Bây giờ có một gia đình giàu có đến đón con đi, được ăn sung mặc sướng. Con có đi không?”.

Con không chê cha mẹ khó”, dù còn nhỏ nhưng tôi dám chắc hỏi bất cứ đứa trẻ nào, chúng cũng nói không đi đâu hết trong tình huống đó. Dù sang ngôi nhà mới chúng có được sung sướng đến mấy cũng không thể nói “đổi bố mẹ” là đổi ngay được.

Những câu trêu đùa ác ý của người lớn sẽ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần rất lớn. Ảnh minh họa.

Tôi luôn tự hỏi tại sao người lớn có thể vô tư trêu đùa trẻ con vô cùng ác ý, nói những câu khiến chúng tổn thương như vậy? Hết trêu trẻ không phải là con ruột lại trêu chúng sẽ “bị ra rìa” khi mẹ sinh em bé. Đặc biệt những gia đình có con gái đầu lòng và đứa sau là con trai, việc trêu trẻ lại càng khủng khiếp.

Có lẽ người lớn trêu trẻ cũng chỉ vì thỏa mãn sở thích của họ, họ hả hê khi thấy đứa trẻ giãy nảy lên phản ứng mà không nghĩ đến hậu quả tổn thương tinh thần mà đứa trẻ phải gánh chịu. Chúng sẽ lớn lên với nỗi hoài nghi về bản thân, về bố mẹ, gia đình thực sự của chúng. Nếu bố mẹ vào hùa cuộc trêu đùa này, hậu quả lại càng tệ!

Tôi thực sự nổi điên, ghét cay ghét đắng ai đó trêu con mình như vậy. Không thể vì sự cả nể mà đồng lõa với những lời trêu đùa ác độc đó. Mặt khác, tôi nói với con ngay khi có ai đó trêu con rằng: “Con là con của bố mẹ. Con đừng bận tâm đến câu nói đó vì đó không phải là sự thật”.

Trẻ suy nghĩ rất đơn giản, ai là người chăm sóc, nuôi nấng từ nhỏ thì đó chính là cha mẹ. Vì thế đừng trêu trẻ ác ý hoặc đột ngột thay đổi môi trường sống của trẻ. Ảnh minh họa.

Có một sự thật là người lớn thường xuyên trêu đùa như vậy với trẻ nhưng khi đặt mình vào trường hợp đó, họ lại vô cùng bối rối. Vụ việc trao nhầm con tại bệnh viện đa khoa Ba Vì đang làm dấy lên nỗi lo lắng trao nhầm con khi sinh nở.

Thử nghĩ mà xem, con mình nuôi nấng bao năm nay, bỗng một ngày có người đến và nói “đây không phải là con ruột của anh chị”. Đứa trẻ bỗng chốc bị mang sang một môi trường khác, bị bắt gọi người lạ hoắc là bố mẹ thì làm sao chúng chịu nổi?

Nghĩ đến hai đứa trẻ trong vụ việc nhận nhầm con tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì, tôi thấy thương thắt lòng. Cha sinh không bằng mẹ dưỡng.

Tình cảm mẹ con suốt 6 năm trời yêu thương, gắn bó từ lúc lọt lòng đỏ hỏn, ngay cả người lớn cũng khó chấp nhận sự thay đổi quá lớn thì làm sao đứa trẻ có thể chấp nhận “bố mẹ mới” được.

Chúng không cần biết ai có cùng huyết thống, chúng chỉ biết ai từ bé ở bên yêu thương, chăm sóc, cho nó ăn uống, tắm rửa hàng ngày thì người đó là bố mẹ của chúng mà thôi.

Mong sao hai gia đình bất hạnh này có thể coi nhau như người thân để hai đứa trẻ vẫn được gần gũi với bố mẹ nuôi và xây dựng tình cảm với bố mẹ đẻ. Mong sao đừng có sự nhầm lẫn, thậm chí trêu đùa nào nữa khiến con trẻ phải đau lòng.

Thu Hà

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/ghet-cay-ghet-dang-ai-treu-dua-tre-ac-y-chau-khong-phai-con-de-bo-me-nhat-chau-o-bai-rac-ve-20180713170543892.htm