Ghét thay những kẻ 'bôi bẩn màu áo công vụ'

Cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là biểu hiện thể diện của chính quyền chứ không phải là trụ sở to lớn và trang bị tiện nghi như người ta thường biện minh cho việc xây trụ sở hoành tráng vì đó là bộ mặt của chính quyền.

Hình ảnh tranh cãi giữa bảo vệ bệnh viện và người nhà bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương về việc gửi xe 3 ngày hết 1,75 triệu đồng.

Mới đây, một bà trông giữ xe ở Gia Lai được phong là “người đàn bà quyền lực” bởi “muốn làm Chứng minh thư nhân dân nhanh” thì gặp bà ta với 500.000 đồng thì có thể nhận ngay trong ngày. Tương tự, một ông bảo vệ vỉa hè ở TP HCM cũng tham gia vào giải quyết các phương tiện giao thông vi phạm, quyền lực không kém bà trông giữ xe ở Gia Lai.

Cũng tại TP này, lực lượng bảo vệ đô thị chính là thủ phạm đã gây thất thu đến 60% phí đỗ xe (số liệu của HĐND TP HCM). Họ thu tiền rồi bỏ túi mà một tờ báo đã định danh xác đáng là “những người bôi bẩn màu áo công vụ”. Vụ trông xe 3 ngày ở một bệnh viện tại Hà Nội mà thu phí 1,7 triệu đồng khiến dư luận ồn ào nhưng bức xúc ở chỗ, tiền đó vào túi ai, tăng thu cho ngân sách TP hay làm giàu cho một số người? HĐND TP quyết định tăng phí trông giữ và đỗ xe lên một mức rất cao lại là một cơ hội rất tốt cho những người làm ăn bất chính?

Trong lĩnh vực hoạt động tư pháp cũng có những việc làm của những người tiến hành tố tụng làm xấu đi hình ảnh của các cơ quan này. Vụ gây ra cái chết của một phụ nữ thu mua mì (sắn) ở Tây Ninh do cú xô ngã của một thành viên trong đoàn kiểm tra gây ra mà hơn 20 ngày sau Công an mới tiến hành lấy lời khai của những người chứng kiến vụ án mạng này.

Hoặc, có vụ khiến dư luận phẫn nộ với một nhóm người tự xưng Công an bắt người, đánh đập giữa đường, giữa chốn đông người ngay tại địa bàn Thủ đô mà đến giờ vụ việc đã chìm vào im lặng một cách khó hiểu. Hay, một người đàn ông ở quận Tân Phú (TP HCM) khi bị bắt mới biết mình bị truy nã 17 năm nay. “Tội” của ông ta là tiêu thụ 2 cái xe đạp đánh cắp.

Tuy nhiên, đó chỉ là lời khai chứ không có bằng chứng gì. Viện kiểm sát đã đình chỉ vụ án này “do hành vi không còn nguy hiểm với xã hội”, song, Viện cấp trên lại nghĩ khác, phải đình chỉ vụ án với lý do ông ta vô tội chứ không thể làm theo cái kiểu đó để “né” một vụ bồi thường oan sai.

Tại sao niềm tin của dân chúng bị suy giảm? Một phần nguyên nhân và trực tiếp gây ra chính là cách hành xử không biết giữ thể diện cho chính quyền của những người đại diện và phục vụ cho chính quyền đó. Còn chần chừ gì nữa mà không xếp những người này vào diện “dôi dư” cần “thanh lý”

Pha Ly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/ghet-thay-nhung-ke-boi-ban-mau-ao-cong-vu-412564.html