Ghi chép bên dòng Thạch Hãn

Trải qua những biến cố trong lịch sử, sông Thạch Hãn vẫn nằm đó hiền hòa, tưới mát cho những làng quê của Quảng Trị. Được nuôi dưỡng bằng nguồn nước ngọt của dòng sông kiêu hùng, các làng quê ấy đã sản sinh ra rất nhiều người bền gan vững chí, đóng góp công sức và thậm chí là hi sinh xương máu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.

Cầu Thành Cổ bắc qua sông Thạch Hãn mới được xây dựng

Giữa những ngày tháng 7 lịch sử này, chúng tôi lại tìm về với mảnh đất Quảng Trị anh hùng – miền tri ân. Đi qua những con đường làng nay đã được thảm bê tông sạch đẹp, những cánh đồng đang hồi xanh mơn mỡn nằm dọc dòng sông Thạch Hãn kiêu hùng để đến với những địa danh đã từng là vùng chiến sự ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Một trong những nơi như thế là xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) với các mặt trận cam go một thời như Tích Tường, Như Lệ. Ở đó, đã sản sinh ra rất nhiều người bền gan vững chí, đóng góp công sức và thậm chí là hi sinh xương máu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Các con số: 58 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 292 gia đình liệt sĩ, 278 thương bệnh binh, 458 người có công với cách mạng, 23 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 148 người hoạt động kháng chiến… đã minh chứng cho tất cả.

Chiến tranh đã lùi xa, người dân ở các thôn quê nơi vùng bán sơn địa này lại trở về với công việc đồng áng quen thuộc, phục vụ mưu sinh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với đặc điểm là một làng quê thuần nông, thu nhập chính của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, việc xây dựng và phát triển kinh tế được địa phương đẩy mạnh, qua đó đã vận động nhân dân tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình gắn liền với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Điểm đỗ thuyền và thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Hải Lệ, chúng tôi tìm đến nhà bệnh binh Ngô Văn Tuệ (73 tuổi, ở thôn Như Lệ), một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương hiện nay. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, như bao nhiêu thế hệ thanh niên trong làng, ông Tuệ nhập ngũ chiến đấu bảo vệ quê hương, tổ quốc. Theo đó, năm 1965, binh sĩ Ngô Văn Tuệ nhập ngũ tại Huyện đội Hải Lăng – H99 và chiến đấu tại quê hương mình cho đến năm 1968 thì bị địch bắt tù đày và phải đến năm 1973 mới được trao trả.

Trong ngôi nhà khang trang, ấm cúng của mình, ông Tuệ hồi tưởng lại: Vào thời điểm sau tết Mậu Thân 1968, địch quay trở lại càn quét với chiến thuật “cóc nhảy” rất quyết liệt. Lúc này, phía chúng ta chuyển sang đánh du kích nhằm bảo toàn lực lượng và tiêu hao sinh lực địch. Lực lượng bộ đội địa phương nhận lệnh bám vùng, bám dân ở khu vực đồng bằng vùng Nam Thạch Hãn. Trong một trận càn của địch, A trưởng Ngô Văn Tuệ bị địch bắt và bị giam tại nhà lao Quảng Trị 6 tháng.

Sâu thẳm trong ký ức của mình, ông Tuệ vẫn nhớ rất rõ những tháng ngày bị giam tại nhà lao Quảng Trị là quảng thời gian khủng khiếp – 6 tháng không thấy mặt trời. Trong một hầm giam chật hẹp, được kiên cố bằng vữa vôi cai ngục địch lại nhốt cùng một lúc nhiều chiến sĩ của ta. Nên vào những ngày hè thì vô cùng nóng nức. Còn các chế độ khác như vệ sinh, ăn uống cũng vô cùng hà khắc. Sau đó, địch chuyển ông Tuệ vào trại giam tại Đà Nẵng trước khi đưa ra Phú Quốc. Tại lao Phú Quốc, trong một cuộc đấu tranh phản đối chế độ cai ngục ở đây, ông Tuệ bị bọ cai ngục tra tấn thừa sống thiếu chết, phải nằm bất động mười mấy ngày trời. “Ngày hôm đó, bọn cai ngục bắt chúng tôi phải đi cắt cỏ dọc theo các hàng rào thép gai để chúng dễ giám sát tù viên. Các anh em đã đấu tranh để không làm những việc phục vụ cho chiến tranh. Sau đó, chúng đưa từng người một về sở chỉ huy rồi xông vào đánh hội đồng. Tôi đã phải co người lại để nhận trận đòn nhừ tử và phải giả bộ ngất đi thì chúng mới chịu thôi, nếu không có khi tôi đã chết rồi”, ông Tuệ nhớ lại.

Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được kí, các thỏa thuận về việc trao trả tù binh chính trị giữa 2 bên được thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau. Đối với trường hợp của ông Tuệ và nhiều người khác là tại tỉnh Tây Ninh. Trở về địa phương, ông Tuệ tiếp tục tham gia bộ đội đến năm 1975 thì phục viên. Giải ngũ, ông không dừng lại mà tiếp tục tham gia vào các công tác tại địa phương và cho đến thời điểm này, ông Tuệ đang là Chủ tịch Hội tù chính trị yêu nước xã Hải Lệ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 1978 – 1980 ông làm Đại Đội trưởng Thủy lợi tại công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn. Bên cạnh tham gia công tác ở địa phương, ông Tuệ còn được biết đến là một người rất giỏi trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Những lúc cao điểm, ông làm chủ đàn gia súc trâu, bò lên đến hàng trăm con. Giờ đây, dù tuổi đời đã cao, mô hình gia trại với đàn gà, đàn lợn cũng ngấp nghé số lượng trăm con cùng đại lý kinh doanh của gia đình ông vẫn được xem là điển hình tiên tiến của cả xã Hải Lệ.

Với những hi sinh, đóng góp của mình, ông Ngô Văn Tuệ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng Ba và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen khác từ tỉnh Quảng Trị đến địa phương thị xã Quảng Trị. Ông cũng đã chính thức được nhận danh hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Ông Ngô Văn Tuệ bên gia trại nuôi heo của gia đình

Cũng tại thôn Như Lệ, chúng tôi còn được gặp một thương binh hạng 4/4 đi đầu trong việc phát triển mô hình sinh kế tiêu biểu khác là ông Ngô Điệt (58 tuổi). Ông Điệt nhập ngũ tháng 5/1978 tại đơn vị C18 – E10 – F339 – Quân đoàn 4 và tham gia chiến trường K (tại Campuchia). Sau khi hoàn thành xứ mệnh quốc tế cao cả, giống như ông Tuệ, khi trở về, ông Điệt cũng tiếp tục tham gia công tác địa phương và hiện nay đang giữ chức Chi Hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Như Lệ. Bên cạnh đó, ông đang phát triển mô hình nuôi hưu lấy nhung và đã thu được những thành quả nhất định.

Có thể nói, những trường hợp thương bệnh binh như ông Tuệ, ông Điệt, Phạm Lý Chánh, Ngô Xuân Viễn và bà Nguyễn Thị Hoa... đã vượt lên tất cả để tiếp tục đóng góp công sức, ý chí và nghị lực vào công cuộc dựng xây và đổi mới bên dòng Thạch Hãn anh hùng. Họ đã không ngơi nâng cao nhận thức và thực hiện các hành vi có lợi đối với bản thân gia đình và xã hội mà hiệu quả rõ ràng nhất là họ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế gia đình bằng những công việc thiết thực và giản dị như kinh doanh trong các ngành nghề thương mại - dịch vụ, chăn nuôi đàn lợn, đàn gà, nuôi cá, nuôi ếch, trồng trọt…

Thương binh Ngô Điệt với mô hình nuôi hưu lấy nhung

Ông Nguyễn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lệ đánh giá: “Trong những năm qua, tại địa phương đã có nhiều gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo được ưu tiên giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, đã có nhiều thương bệnh binh vượt qua bệnh tật, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Họ không chỉ là tấm gương sáng trong thời chiến mà còn cả trong thời bình để mọi người học hỏi theo.”

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ghi-chep-ben-dong-thach-han-d77739.html