Ghi dấu ấn đậm nét với nhiều đổi mới trên cả lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng

Đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Sáu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc NGUYỄN VĂN MẠNH nêu rõ, Kỳ họp được tiến hành khoa học, linh hoạt, đạt chất lượng và hiệu quả cao, ghi dấu ấn với nhiều đổi mới trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Một kỳ họp có nhiều đổi mới

- Kỳ họp thứ Sáu đã thành công tốt đẹp sau 22 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Cá nhân ông cảm nhận Kỳ họp này có những dấu ấn nổi bật nào?

- Kỳ họp thứ Sáu đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, đạt hiệu quả, chất lượng, ghi dấu ấn với nhiều điểm mới trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả này đạt được nhờ có đóng góp từ công tác chuẩn bị, nhất là từ các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo, tờ trình trình Quốc hội. Các tài liệu được gửi đến đại biểu Quốc hội kịp thời, cung cấp nhiều thông tin để đại biểu có đủ thời gian, thông tin nghiên cứu, tham gia đóng góp có chất lượng vào các nội dung trình ra Quốc hội.

Quốc hội hoàn thành một công việc rất quan trọng, ghi dấu ấn giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV này, đó là thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị và thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá khách quan, trung thực về kết quả đạt được trên các lĩnh vực mà những người được lấy phiếu tín nhiệm được giao quản lý. Đây cũng là nguồn thông tin quan trọng để mỗi chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phát huy năng lực, sở trưởng, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường

Một dấu ấn nữa, đó là trong Kỳ họp này, số lượt đại biểu đăng ký và thảo luận, tranh luận trong các phiên họp ở tổ và hội trường rất lớn, cho thấy những nội dung được Quốc hội đưa ra thảo luận, quyết định lần này đều là những vấn đề lớn, cấp thiết, đồng thời có tính chất căn cơ, lâu dài, tạo điều kiện cho đất nước phát triển bền vững. Mặt khác, các đại biểu cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến tổ chức, đơn vị liên quan…

Kết quả Kỳ họp thứ Sáu còn cho thấy cách tổ chức, tiến hành kỳ họp của Quốc hội ngày càng được cải tiến, đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình nghị sự được thống nhất tại phiên họp trù bị, nhưng trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu thấy rằng, một số dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu hơn. Do vậy, Quốc hội đã nhất trí cao chính thức lùi thông qua và điều chỉnh chương trình vào sát những ngày cuối của Kỳ họp. Đây là sự điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

- Việc lùi thời gian thông qua một số dự án luật thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác lập pháp, không chạy theo số lượng, thưa ông?

- Như chúng ta đều biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn chỉnh, rà soát để thiết kế phương án chính sách tối ưu hơn. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội, bảo đảm mỗi đạo luật khi ban hành có tính khả thi và sức sống bền lâu.

Và cũng không phải đến Kỳ họp thứ Sáu này, mà từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng cũng đã được Quốc hội quyết định lùi thời điểm thông qua tại những kỳ họp trước. Sự cải tiến, đổi mới, linh hoạt trong cách tiến hành các kỳ họp đã thực sự bảo đảm chất lượng, hiệu quả các quyết sách của Quốc hội, góp phần đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước, tạo điều kiện để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Cần đầu tư hơn cho quá trình triển khai thi hành Luật

- Chất vấn luôn là hoạt động của Quốc hội được cử tri, người dân quan tâm theo dõi. Ông đánh giá như thế nào về những đổi mới tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này?

- Khác với các kỳ chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội tiến hành chất vấn tổng thể việc thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực được giao phụ trách.

Cách thức chất vấn cũng được đổi mới theo các nhóm lĩnh vực (kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, nội chính - tư pháp và văn hóa, giáo dục, y tế…) đã giúp phát huy mạnh tính linh hoạt trong điều hành cũng như chất vấn và trả lời chất vấn. Các vấn đề đưa ra vì thế đã được đánh giá một cách tổng thể và toàn diện hơn. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành rất khoa học, linh hoạt, dân chủ, cởi mở, qua đó tạo cơ hội, không gian để đại biểu Quốc hội nghiên cứu và các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trả lời thấu đáo hơn.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó xác định rõ địa chỉ, phạm vi thời gian và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước. Yêu cầu là vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn, qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Tại Kỳ họp thứ Sáu, nhiều dự luật liên quan đến quyền lợi của người dân, tài chính, kinh tế..., như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi)… đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Tuy nhiên, như chia sẻ của đại biểu cũng như cử tri là khâu tổ chức thực hiện, thưa ông?

- Những đạo luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu đều là những quyết định đúng đắn, "hợp ý Đảng, lòng dân". Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để các đạo luật sớm được thực thi.

Chính phủ cũng cần tăng cường truyền thông chính sách để những luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được phổ biến rộng rãi, nhận được sự đồng thuận nhiều hơn nữa trong xã hội. Đầu tư nguồn lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để bảo đảm hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và sự tin tưởng của các đại biểu và cử tri cả nước.

- Xin cám ơn ông!

Lê Bình thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ghi-dau-an-dam-net-voi-nhieu-doi-moi-tren-ca-lap-phap-giam-sat-quyet-dinh-nhung-van-de-quan-trong-i352490/