Ghi nhận 1.200 chất hướng thần mới chưa nằm trong danh mục kiểm soát

Đây là số liệu Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) đưa ra tại Hội thảo phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường bưu điện và vận chuyển hàng hóa với sự tham dự của 46 quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Việt Nam, vừa được tổ chức ở Thủ đô Viên, Cộng hòa Áo.

98% số vụ được phát hiện qua đường bưu chính, chuyển phát và hàng không

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, trong năm 2022, toàn thế giới đã ghi nhận trên 29.000 vụ việc mua bán, vận chuyển các chất ma túy tổng hợp nhóm opioids, chất hướng thần mới (NPS) do các nước báo cáo lên hệ thống IONICS, là nền tảng trao đổi thông tin trực tuyến do INCB thiết lập giữa cơ quan chức năng các nước nhằm thu thập thông tin nghi vấn về hoạt động mua bán, sản xuất các chất NPS trên toàn cầu.

Đến nay, thế giới cũng ghi nhận sự xuất hiện của 1.200 chất hướng thần mới chưa nằm trong danh mục kiểm soát của 3 Công ước quốc tế, cao gấp hơn 3 lần số chất ma túy, chất hướng thần mới được kiểm soát, trong đó ghi nhận sự gia tăng mức độ nghiêm trọng tới sức khỏe của các loại ma túy nhóm opioid tổng hợp.

Xuất hiện ngày càng nhiều các loại ma túy nguy hiểm chưa có trong danh mục kiểm soát

Theo đánh giá của INCB, nguy cơ gia tăng của nhóm opioid tổng hợp, fentanyl và tiền chất ngày càng rõ nét trong những năm gần đây, kéo theo việc hình thành các tuyến, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy trên phạm vi toàn cầu.

Trong đó, 98% số vụ việc được phát hiện qua đường bưu chính, chuyển phát và hàng không. Mỗi năm có hàng triệu thư tín, bưu phẩm được gửi qua hệ thống bưu chính, chuyển phát nhanh và vận tải hàng không. Các đối tượng lợi dụng sự bùng nổ mạnh mẽ của hình thức vận chuyển này để mua bán ma túy, nhất là trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2023, hệ thống IONICS đã ghi nhận trên 12.400 vụ việc liên quan đến mua bán, vận chuyển các chất ma túy qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh và vận tải hàng không. Đáng chú ý, nổi lên là nhóm opioid, nhóm ma túy có nguồn gốc thực vật, benzodiazepines, ketamin được vận chuyển từ Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Mexico, Brazil đi các nước Mỹ, Anh, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada qua đường hàng không (chiếm 58%), đường bưu điện, chuyển phát nhanh (chiếm 39%).

98% số vụ mua bán ma túy, chủ yếu là MTTH được phát hiện qua đường bưu chính, chuyển phát và hàng không

Từ năm 2022, chính quyền Taliban ra lệnh cấm trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan, diện tích trồng loại cây này đã giảm 80%.

Từ lệnh cấm này, các nước châu Âu đang đối mặt với sự khan hiếm đối với thuốc phiện và heroin, kéo theo đó là nhu cầu về điều trị cai nghiện cũng sẽ gia tăng. Từ năm 2009 đến nay, các nước EU phát hiện, thu giữ 74 loại ma túy mới thuộc nhóm opioids.

Năm 2022, châu Á ghi nhận gần 1.000 vụ việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không, bưu chính, chuyển phát nhanh, tập trung là nhóm opioid từ Ấn Độ, Philippines, Iran đi Mỹ, Anh. Vấn nạn fentanyl trộn lẫn với cocain đang nổi lên với nhiều vụ bắt giữ, triệt phá các phòng thí nghiệm tại khu vực châu Mỹ.

Tại châu Phi, việc mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bưu điện chiếm 66%, tập trung là các loại codein, tramadol, fentanyl từ Nam Phi, Ấn Độ, Nigieria, Pakistan đi Bắc Mỹ, Anh…

Kịp thời ngăn chặn, xem xét đưa vào danh mục quản lý

Tại hội nghị, INCB đã ra khuyến nghị đối với cơ quan chức năng các nước, trong đó khuyến khích cơ quan đầu mối của Chính phủ và các tổ chức quốc tế tham gia chương trình kiểm soát, phòng, chống mua bán ma túy và chất hướng thần, tiền chất.

Khuyến khích các nước tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức, đối tác trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát nhanh, vận tải hàng không trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán, vận chuyển các chất nguy hiểm không thuộc danh mục kiểm soát.

Các nước phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính, vận tải hàng không thiết lập tiêu chuẩn an ninh an toàn đối với lô hàng vận chuyển quốc tế, cũng như xem xét thông qua quy trình, thủ tục liên vận quốc tế.

Khuyến khích các bên khai thác dữ liệu điện tử có sẵn của Hiệp hội vận tải hàng hóa quốc tế (FIATA), Liên minh bưu chính quốc tế (UPU) để phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm.

INCB cũng đề nghị các nước chia sẻ thông tin về các vụ việc mua bán, vận chuyển ma túy, tiền chất qua hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến của INCB, góp phần nhận diện, tăng cường hợp tác trong đấu tranh chống loại tội phạm này.

Lực lượng Công an Việt Nam lập chuyên án chung với Công an Trung Quốc phá xưởng sản xuất MTTH tại Kon Tum, thu hơn 20 tấn thiết bị, hóa chất các loại

INCB và các đối tác quốc tế sẽ liên tục cập nhật, cung cấp thông tin mới nhất về phương thức, thủ đoạn hoạt động, tuyến vận chuyển ma túy và các chất nguy hiểm chưa thuộc danh mục kiểm soát quốc tế; tổ chức các nhóm cộng tác viên làm việc, phối hợp đấu tranh chung, trao đổi các cảnh báo, thông báo đặc biệt tới các nước thành viên.

Tham gia Hội thảo, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đầu mối trao đổi, hợp tác với INCB nhằm triển khai hoạt động trong khuôn khổ Chương trình; khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu của INCB phục vụ công tác dự báo và đấu tranh.

Nghiên cứu khả năng xây dựng cơ chế phối hợp giữa Cục CSĐT tội phạm về ma túy với Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Hiệp hội Kinh doanh vận tải Việt Nam trong phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát, vận tải hàng hóa để phạm tội về ma túy.

Từ việc thực hiện hệ thống thông báo tiền xuất khẩu trực tuyến (PEN Online) và PEN Online Light, kịp thời phát hiện các vụ vận chuyển chất ma túy, tiền chất chưa thuộc danh mục kiểm soát quốc tế để ngăn chặn, đồng thời dự báo tình hình, tham mưu các cấp lãnh đạo xem xét đưa vào danh mục quản lý của Việt Nam.

Trà My

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/da-phat-hien-1200-chat-huong-than-moi-chua-nam-trong-danh-muc-kiem-soat_154047.html