Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người

Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người (MBN) thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận tại các diễn đàn quốc tế hay đối thoại song phương về nhân quyền với các nước: Mỹ, EU, Ốt-xtrây-li-a... Những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được đánh giá là mang tính đột phá, toàn diện, thể hiện quyết tâm của Việt Nam giải quyết vấn đề này thông qua hợp tác quốc tế đa phương.

Tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: tuyengiao.vn.

Báo cáo tình hình MBN trên thế giới (TIP 2023) của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 15-6-2023, đánh giá tình trạng MBN tại 188 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó đã nâng xếp hạng Việt Nam từ Nhóm 3 lên “Nhóm 2 cần theo dõi”, phản ánh những kết quả tích cực của Việt Nam trong phòng, chống MBN, đặc biệt là điều tra, xét xử tội phạm MBN cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN.

Hiệu quả của các chương trình phòng, chống mua bán người

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong các chương trình phòng, chống MBN các giai đoạn, đều huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành và mọi người dân, đồng thời nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện Chương trình phòng, chống MBN hằng năm.

Đặc biệt, trong năm qua, công tác phòng, chống MBN được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ triển khai quyết liệt, nhất là chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống MBN năm 2022 và 2023; tăng cường các biện pháp công tác đấu tranh phòng, chống MBN trong nội địa và ra nước ngoài…

Theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30-7 được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống MBN”. Các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 1-7 đến 30-9 hằng năm) được triển khai rộng khắp, đã xác lập, điều tra, khám phá nhiều vụ án, đường dây tội phạm MBN (cả trong nội địa và ra nước ngoài); khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội MBN theo đúng qui định của pháp luật.

Trong năm 2022, lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội MBN theo các tội danh được qui định Điều 150, Điều 151, Bộ Luật Hình sự, xác định được 222 nạn nhân bị mua bán liên quan đến các vụ án, tăng 13 vụ/98 đối tượng/72 nhân so với cùng kỳ năm 2021. Đã đưa ra xét xử 58 vụ/128 bị cáo phạm các tội danh liên quan đến MBN. Riêng trong quý I-2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 56 vụ/150 đối tượng phạm tội MBN, xác định 118 nạn nhân trong các vụ án, tăng 32 vụ/104 đối tượng so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp nhận, giải quyết 93 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm MBN, đưa ra xét xử 15/31 bị cáo.

Cùng với đó, Bộ Công an cũng đã tổ chức tổng kết chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống MBN tại 8 địa phương, tổ chức Hội nghị liên ngành đánh giá, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống MBN trên tuyến biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia.

Từ tháng 1-2023, các bộ, ngành liên quan đã tổ chức thống kê số liệu MBN theo biểu mẫu của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng dữ liệu quốc gia về phòng, chống MBN. Hiện các bộ, ngành liên quan đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; phối hợp với Phái đoàn tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức Hội thảo với các chuyên gia trong và ngoài nước về nhu cầu, mục đích của việc thu thập dữ liệu về phòng, chống MBN.

Công tác phòng, ngừa tội phạm MBN được các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đặc biệt chú trọng, lấy chủ trương phòng ngừa là chính, là căn bản trong triển khai các mặt công tác phòng, chống MBN. Đã lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm MBN vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Tổ chức tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống MBN với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

Cùng với công tác đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm MBN, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt trong phối hợp thực hiện xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”.

Đáng chú ý, ngày 18-7-2022, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết, triển khai Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán có sự chứng kiến của Đại diện Đại sứ quán Mỹ, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và một số cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế liên quan đến phòng, chống MBN tại Việt Nam.

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống MBN (2011) đã bộc lộ một số điểm chưa tương thích cần phải sửa đổi, bổ sung. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm MBN, Việt Nam đang tích cực lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống MBN (sửa đổi). Cùng với đó đã ứng dụng khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm MBN; tổ chức kiểm tra hàng chục nghìn lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và MBN; tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động MBN ra nước ngoài.

Hợp tác quốc tế và khu vực về phòng, chống mua bán người

Do mang tính xuyên quốc gia, tội phạm MBN đã trở thành vấn đề toàn cầu, một trong những thách thức an ninh phi truyền thống của tất cả các quốc gia, hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực về phòng, chống MBN là một nhu cầu tất yếu.

Về hợp tác đa phương, Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tệ nạn MBN như: Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang, Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước ASEAN về phòng, chống MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Kế hoạch hành động ASEAN về thực thi ACTIP, Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC.

Việt Nam cũng tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư, đồng thời đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận này, với các giải pháp cụ thể và toàn diện nhằm ngăn ngừa nguy cơ MBN trong di cư quốc tế.

Trong hợp tác song phương, Việt Nam đã ký và tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bao gồm cả vấn đề MBN, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em như Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam với Căm-pu-chia (2005), Lào (2010), Thái Lan (2008), Trung Quốc (2010) và Anh (2009) về phòng, chống MBN, trong đó duy trì họp thường niên với cơ quan thực hiện hiệp định, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN. Đồng thời, Việt Nam tham gia và ký kết Văn kiện ghi nhớ và Kế hoạch hành động 06 nước Tiểu vùng sông Mê-kông (Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Trung Quốc, Mi-an-ma và Việt Nam).

Ngoài ra, Việt Nam đã ký 15 hiệp định song phương và 13 hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm MBN. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình ASEAN-ACT do Chính phủ Ốt-xtrây-li-a tài trợ. Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên trao đổi về chủ trương, thành tựu trong phòng chống MBN tại Đối thoại nhân quyền với EU, Ôt-xtrây-li-a... cũng như các buổi làm việc định kỳ với một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội.

Các tổ chức quốc tế thường xuyên có các chương trình, dự án về phòng, chống MBN. Việt Nam đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế về lĩnh vực này qua việc tham gia thực hiện các dự án như: “Đánh giá và đề xuất sửa đổi chính sách, kế hoạch chiến lược về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em giai đoạn 2001-2010”; “Hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” do UNICEF tài trợ; Dự án “Chống lạm dụng và bóc lột tình dục thanh, thiếu niên” do ESCAP tài trợ...

Việt Nam đã triển khai các dự án khu vực về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em, bao gồm Dự án “Phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở tiểu vùng Mê-kông” do Liên minh các tổ chức quốc tế tài trợ, mã số RAS/98/H01, Dự án khu vực “Phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở tiểu vùng Mê-kông” do ILO/IPEC tài trợ.

Cả hai dự án đều tập trung vào các hoạt động thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức; điều tra đánh giá nguyên nhân, thực trạng tình hình; xây dựng các mô hình can thiệp; dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán... nhằm mục tiêu chung là: ngăn chặn sự phát triển, giảm mức cao nhất tệ nạn mua bán phụ nữ và trẻ em; khắc phục hậu quả của tệ nạn này.

Đồng thời, với việc triển khai hai dự án trên, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai thí điểm dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” tại hai tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, với kinh phí từ chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Đồng thời, để ngăn chặn nguy cơ MBN trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép, ngày 20-3-2020, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hiệp quốc (Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ MBN thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép.

Các hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký kết là những công cụ pháp lý quan trọng phục vụ cho việc ngăn ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và trừng trị những kẻ MBN. Trong thời đại kỹ thuật số, các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm MBN ngày càng tinh vi, đe dọa nghiêm trọng đến các nỗ lực bảo vệ quyền con người, gây nguy hiểm tới mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm ở khắp các quốc gia, khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế, chung tay ngăn chặn nạn MBN là mục tiêu chung của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mê-kông (trong đó có Việt Nam) tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng 11,7 triệu người (chiếm 70% số nạn nhân bị mua bán trên thế giới, trong đó 55% là phụ nữ, trẻ em gái; 45% là nam giới).

Thu Trang

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/ghi-nhan-nhung-no-luc-cua-viet-nam-trong-phong-chong-mua-ban-nguoi-19451