Ghi nhận tài năng không đơn giản

Dù đã 9 lần phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng càng ngày cuộc bầu chọn mang màu sắc tôn vinh đáng trân trọng này càng nảy sinh nhiều rắc rối hơn.

Khoảng cách giữa Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân ngỡ rất gần, mà lại rất xa. Đặc biệt, những nghệ sĩ không nằm trong biên chế của các đoàn nghệ thuật tồn tại bằng ngân sách, thì rất ít cơ hội được chạm tới hào quang lấp lánh kia. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách xét duyệt căn cứ vào số lượng huy chương hoặc số lượng giải thưởng thì chưa hẳn thuyết phục được đám đông. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không có những thang điểm cơ bản như huy chương hoặc giải thưởng thì việc phong tặng lại cảm tính và mơ hồ hơn.

Năm 1984, đợt xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên được thực hiện. Thông lệ mở ra, tiếp tục các năm 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và bây giờ 2018 lại có thêm một đợt xét duyệt mới với không ít cam go. Nghệ sĩ Nhân dân cao hơn Nghệ sĩ Ưu tú một bậc. Người muốn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, và được ít nhất hai giải Vàng hoặc một giải Vàng và hai giải Bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.

Lẽ thường, muốn có giải thưởng hoặc muốn có huy chương thì phải thi thố. Thử hỏi, những nghệ sĩ lớn tuổi chỉ ngồi ghế giám khảo thì làm sao có huy chương hoặc giải thưởng? Cho nên, nghịch lý buồn cười là người thầy chấm cho người trò ở các cuộc thi, thì quay qua quay lại bỗng dưng… người thầy đứng dưới người trò về mặt danh hiệu! Ví dụ, nghệ sĩ Trần Hạnh là một gương mặt rất quen thuộc với khán giả cả nước, được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1984 nhưng đến nay vẫn chưa được Nghệ sĩ Nhân dân. Diễn viên gạo cội Trần Hạnh thổ lộ: “Thời đó là Nhà nước phong, chứ không phải làm hồ sơ xin như bây giờ”.

Đợt phong tặng danh hiệu năm nay có chi tiết khó quên là phải bầu chọn lại ở cấp Bộ. Có cả thảy 14 trường hợp gồm 7 hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân và 7 hồ sơ đề nghị phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, từng bị trượt ở cấp Bộ đã được chính hội đồng cũ bỏ phiếu lại một cách ngon lành.

Nền nghệ thuật nước nhà có quyền tự hào về những Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú. Thế nhưng, cũng có những nghệ sĩ không may mắn được danh hiệu gì, nhưng vai diễn của họ, giọng hát của họ, điệu múa của họ, nhân cách của họ… vẫn tỏa sáng trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Vì vậy, cái thước đo quan trọng nhất của nghệ sĩ, không phải là danh hiệu được sơn son thếp vàng mà là sự ngưỡng vọng của người đời, một cách hồn nhiên nhất, một cách trân trọng nhất!

LTN

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ghi-nhan-tai-nang-khong-don-gian.aspx