Ghi nhanh tại điểm nóng buôn lậu trên biên giới Tây Nam

Chúng tôi có dịp trở lại An Giang, đi dọc tuyến biên giới các huyện Tịnh Biên, Hòa Phú, thị xã Tân Châu ở khu vực biên giới cuộc sống của người dân thật yên bình, nhưng đằng sau đó là tình hình vận chuyển hàng lậu như đường, thuốc lá, ngoại tệ và vàng… chưa bao giờ yên.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ bà Vuoch Hea, người Campuchia buôn lậu 8kg vàng vào Việt Nam. Ảnh: Lưu Hiệp.

Nguy hiểm rình rập…

Tại đây, cán bộ Hải quan, Biên phòng làm việc trong những chốt được dựng tạm bằng những tấm tôn mỏng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên Phan Văn Tâm cho biết, nơi làm việc của các đơn vị đang được xây dựng, các bốt trạm của Hải quan và Biên phòng được dựng tạm để kiểm soát hành khách xuất nhập cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Hiện nay, có một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua Campuchia như gừng, rau xanh, dầu ăn, mỳ tôm,… Hàng hóa trao đổi cũng không nhiều, 6 tháng đầu năm số thuế thu tại đơn vị đạt hơn 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại khu vực cánh gà, lối mòn, trên kênh rạch, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa vẫn diễn ra, lực lượng chức năng đi tuần tra, giám sát liên tục cũng không giảm được bao nhiêu. Nổi cộm ở tuyến biên giới này vẫn là buôn lậu thuốc lá điếu, đường cát, tiền và vàng thỏi.

Buôn lậu chưa bao giờ hết nóng tại An Giang. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, khó khăn nhất đối với lực lượng Hải quan An Giang là phát hiện ra những vụ vận chuyển ngoại tệ, tiền và vàng, bởi An Giang vừa có đường biên giới đất liền vừa có đường sông, qua biên giới rất thuận tiện. Phía nước bạn có nhiều casino, người dân thường hay mang tiền sang Campuchia để đánh bạc. Khi vàng trong nước chênh lệch về giá thì họ vận chuyển vàng từ Campuchia về Việt Nam để bán kiếm lời.

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Tịnh Biên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ bà Vuoch Hea, người Campuchia, nhập cảnh vào Việt Nam bằng xe môtô biển kiểm soát Campuchia, mang theo 100 triệu Riel và 8kg vàng. Số vàng này bà Vuoch Hea mua tại chợ Nam Vang (Campuchia) mang sang chợ Tịnh Biên (Việt Nam) để bán kiếm lời. Nếu trót lọt trong phi vụ này, bà Vuoch Hea sẽ hưởng lợi chênh lệnh hơn 640 triệu đồng. Hay ngày 18-4, Chi cục HQCK Vĩnh Xương phối hợp với Đội Kiểm soát Cục Hải quan An Giang phát hiện, bắt giữ đối tượng Huỳnh Văn Khiêm chạy xe gắn máy biển số 1U-0106 vượt qua rào chắn đến gần cột mốc biên giới khoảng 50m (đường cánh gà cửa khẩu) mang theo 111 tờ giấy bạc màu xanh chất liệu giấy có mệnh giá 100 tiền đô la Mỹ (USD); 63 tờ 500.000 tiền Việt Nam đồng; trị giá 279.285.300 đồng…

Công chức hải quan Trần Anh Tuấn, Tổ chống buôn lậu của Chi cục HQCK Tịnh Biên cho biết, vào mùa khô các đối tượng buôn lậu thuê người đai vác hàng qua biên giới, rồi dùng xe gắn máy với tốc độ cao chuyển sâu vào nội địa vận chuyển thẳng vào các chợ trong thành phố, thị xã, thị trấn. Vào mùa nước, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn sông rạch nhiều, dùng xuồng, vỏ lãi gắn máy động cơ có công suất lớn chạy với tốc độ cao để vận chuyển hàng lậu, gây khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu trong việc bắt giữ và xử lý.

Quả thực, có đi trên các kênh rạch và ngoài sông mới thấy được sự gian nan và nguy hiểm của lực lượng chức năng. Kênh Vĩnh Tế có chiều dài khoảng 50km, đi thẳng con kênh này là tới Hà Tiên. Kênh Vĩnh Tế có rất nhiều kênh rạch nhỏ, thuyền nhỏ đi lại san sát, trước đây hàng lậu vận chuyển qua đây để vào nội địa rất nhiều nhưng nay đã giảm đi đáng kể. Các đối tượng buôn lậu đã chuyển sang sông Bình Di giáp biên giới Việt Nam- Campuchia. Ở đây có nhiều đò ngang, mỗi chuyến đò chỉ 5 phút là sang tới nơi, nên việc phòng chống và bắt giữ rất khó khăn. Chi cục HQCK Tịnh Biên có 2 chiếc cano, mỗi lần đi tuần tra, kiểm soát đều chia ra các tuyến.

Công chức Trần Anh Tuấn chia sẻ, có lần đi tuần tra, kiểm soát trên sông, trên cano hải quan có 3 cán bộ, trong khi dọc bờ sông nhiều thuyền, vỏ lãi, mỗi thuyền có gần chục người, họ sẵn sàng đánh trả nếu cán bộ vào thu hàng. Câu chuyện về một cán bộ Quản lý thị trường bị đánh chết trên sông bằng tay chèo vẫn còn là nỗi đau của các lực lượng chống buôn lậu nơi này. Anh Tuấn nói: “Mỗi cán bộ hải quan ở đây, ngoài nghiệp vụ còn phải biết bơi, biết tiếng Campuchia. Khi đi tuần trên sông vào ban đêm rất nguy hiểm, tàu thuyền đi lại nhiều, không có đèn, xuống thuyền là chỉ mặc quần bơi, để có chỗ còn xuống bơi và lội nước, chứ không phải ngồi trên thuyền đi lòng vòng trên sông đâu”. Nhìn gương mặt rám nắng của các anh, chúng tôi hiểu rằng, mỗi điểm nóng trên từng khúc sông dọc biên giới dù lực lượng mỏng nhưng các anh vẫn đang ngày đêm phối hợp với các lực lượng cố gắng để làm giảm điểm nóng, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống buôn lậu trên vành đai biên giới.

Cơ quan chức năng lấy lời khai của đối tượng. Ảnh: Lưu Hiệp.

Ở nơi ra ngõ gặp “giám sát” lực lượng chống lậu

Trong câu chuyện với chúng tôi, Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, các đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng cấm hầu hết là người dân không có nghề nghiệp ổn định, đủ các độ tuổi, thành phần gia đình nghèo, lấy vận chuyển thuê hàng lậu, hàng cấm làm nguồn thu nhập chính trong gia đình; có một số là nông dân trong thời điểm nhàn rỗi hoặc có những chủ hàng từ các địa phương khác đến, không trực tiếp vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà thuê một số cư dân sống trong khu vực biên giới thông thạo địa bàn Việt Nam- Campuchia. Đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp thường tổ chức coi đường, sử dụng mọi loại phương tiện để thực hiện hành vi buôn lậu; vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, hoặc vận chuyển nhỏ lẻ bằng đai vác nhiều lần từ biên giới qua các cánh gà, đường mòn cửa khẩu, qua đồng ruộng, kênh rạch vào nội địa và các địa phương khác tiêu thụ.

Tại khu vực biên giới có dòng sông chung như tuyến Khánh Bình, Khánh An, huyện An Phú, hàng hóa nhập lậu được vận chuyển bằng ghe máy trên sông thuộc phần đất phía Campuchia sau đó tìm cách đưa qua biên giới rồi đưa sâu vào nội địa bán kiếm lời. Mặt hàng đường cát vẫn được dùng thủ đoạn thay đổi bao bì Việt Nam từ bên kia biên giới, lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, nhiều kênh rạch, các đối tượng dùng xuồng có gắn động cơ công suất cao vận chuyển qua biên giới, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn khi vận chuyển hàng hóa nhập lậu, các đối tượng thuê người theo dõi, canh đường ngay tại trụ sở các cơ quan chức năng để nắm tình hình hoạt động và cung cấp thông tin cho các đối tượng đang tổ chức vận chuyển. Do đó khi lực lượng chức năng tổ chức ra quân thì ngay lập tức chúng dùng điện thoại di động thông tin cho nhau và trực tiếp có vài xe gắn máy hay xuồng máy chạy theo phía sau để thông báo cho đồng bọn biết là có lực lượng nào đang đi tuần tra kiểm soát trên tuyến đường hay khu vực nào để chúng né tránh, khi thấy an toàn thì mới cho chuyển hàng.

Ông Trần Quốc Hoàn cho rằng, vấn đề cốt lõi khiến buôn lậu thuốc lá, đường cát gia tăng do đời sống nhân dân khu vực biên giới rất khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Muốn hạn chế được buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá, đường cát, tiền, vàng… cần phải có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các lực lượng chống buôn lậu, đặc biệt là trong việc phòng ngừa và xử lý nghiêm đối tượng chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, duy trì thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các lực lượng liên quan khác trong công tác chống buôn lậu và xử lý vi phạm. Phối hợp với các cấp ủy, chính quyền xã biên giới tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay, vận chuyển hàng lậu...

Lưu Hiệp

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ghi-nhanh-tai-diem-nong-buon-lau-tren-bien-gioi-tay-nam.aspx