Ghi ở nơi cơn lũ quét đi qua

Cơn mưa lớn trong đêm 17 và sáng ngày 18-11 khiến cho nước lũ từ trên núi cuồn cuộn đổ về, kéo theo hàng ngàn khối đất đá đổ ập xuống, đánh sập, vùi lấp hàng chục ngôi nhà trong một số khu dân cư bên sườn núi của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong phút chốc, đã có trên chục người chết, mất tích, hàng chục gia đình mất hết nhà cửa, tài sản...

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang giúp người dân khắc phục hậu quả tại điểm sạt lở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang. Ảnh: Phương Oanh

Quá bất ngờ

Cơn mưa vừa dứt, chúng tôi lần theo con đường lên khu dân cư nằm men theo sườn núi phía sau chùa Lâm Tỳ Ni của thôn Thành Phát. Từ trên núi, nước vẫn đổ về cuồn cuộn, dòng nước đục ngầu, chảy mạnh như thác tràn ra khắp mặt đường. Đất đá, rác rưởi, vật dụng nhà dân bị nước cuốn tấp vào hàng rào và trụ điện ven đường. Chân móng của những ngôi nhà bị nước khoét sâu, hở hàm ếch, nằm trơ, có thể sập bất cứ lúc nào. Những con đường bị nước lũ đánh xói lở, nhiều tảng đá núi to lăn nằm chỏng chơ khắp nơi, ngăn trở việc đi lại.

Vượt chân núi khoảng 500m, chúng tôi hướng về khu vực tâm điểm của vụ sạt lở. Cả một khu dân cư rộng lớn vừa bị san bằng dưới lớp đất, đá dày gần 2m. Đó đây, những bức tường rách toác, ngã sập, những mái tôn bị đổ oằn, xiêu vẹo. Hàng trăm chiến sĩ các lực lượng vũ trang của tỉnh cùng BĐBP Khánh Hòa đang nỗ lực đào đất, dịch chuyển từng hòn đá tảng để tìm kiếm người mất tích. Nhiều đồ dùng của người dân như xe máy, tủ, xoong nồi, ti vi, bàn ghế bị bể, gãy nát, dồn lại thành từng đống sau khi được moi lên từ dưới lớp đất đá.

Anh Nguyễn Minh Kiên ngồi thẫn thờ nhìn về phía khoảnh đất mà anh bảo mới hôm qua, ngôi nhà của mình vẫn nằm đây, giờ đã bị đất núi san phẳng. Nghe có người hỏi chuyện, anh Kiên buồn bã kể: 6 giờ sáng, thấy trời mưa to, anh lo vợ mình chạy xe đường dốc không an toàn nên thức dậy, định chở vợ xuống núi để theo xe đưa đón công nhân đi làm.

Vừa chạy vài phút, chiếc xe bị trượt đá núi khiến hai vợ chồng ngã xuống. Cùng lúc đó, nghe tiếng núi đổ xuống ầm ầm, lo hai đứa con gặp nguy, anh quăng xe cho vợ, chạy bộ ngược về nhà, tìm chỗ đưa con ẩn náu. Vừa kéo hai đứa con chạy ra sau phòng tắm, anh nghe trên đầu có tiếng ầm ầm như bom nổ, nhìn ra đã thấy cả khối đất khổng lồ đổ ập xuống, san phẳng căn nhà trước.

Cùng với dòng nước, những luồng đất bùn, đá tảng tiếp tục cuộn ào ào, tràn qua lấp luôn cả dãy nhà phía dưới. Căn nhà của ông bà Lê Hân trước mặt nhà anh Kiên giờ chỉ còn những tảng đá núi nằm chênh vênh với lớp đất bùn dày cả mét. “Chỉ chậm chừng 5 phút thôi, cả ba cha con tui đã bị những khối đá tảng kia đè lên, vùi trong lớp bùn rồi” - Anh Kiên nói.

Cũng may mắn thoát nạn trong gang tấc, song tận mắt chứng kiến cảnh những người quanh xóm bị nước cuốn, đất đá vùi, anh Huỳnh Quốc Đạt không khỏi ám ảnh, đau xót. Theo anh Đạt, gia đình anh đã hàng chục năm sống ở khu đất này, nhiều năm trước, mưa cũng kéo dài suốt mấy ngày nhưng không có chuyện gì. Vậy mà lần này quá bất ngờ, chỉ hơn một đêm mưa lớn, cả xóm làng đã bị xóa sổ trong nháy mắt.

“Tui đứng bên nhà mình nhìn qua đã thấy ông bà Chín đứng trước nhà như đang tìm cách chạy ra ngoài. Vừa quay lưng đi được vài bước, bất ngờ nghe ầm ầm, nhìn lại thấy nhà đã sập. Hai đứa cháu nhỏ 12, 13 tuổi của ông bà bị nước cuốn trôi, cách nhà khoảng 30m, mặt mũi, thân thể đầy thương tích, bùn đất. Cháu nhỏ còn bị một mảng bê tông đổ, đè lên chân. Tôi với anh em hàng xóm chạy nhanh lại, nâng mảng bê tông lên, kéo cháu ra ngoài. Cách đó vài chục mét, bà Chín bị lũ cuốn trôi, thân thể vùi trong đất đá, đã tắt thở. Còn ông Chín, giờ vẫn chưa thấy dấu tích, nhưng tui biết chắc đang bị vùi dưới lớp đất đá này” - Anh Đạt kể.

Nhen lên ngọn lửa yêu thương từ cộng đồng

Đứng giữa khu dân cư xóm Núi trong buổi sáng tang thương này, lòng chúng tôi quặn thắt khi được biết nhiều câu chuyện tương tự. Những đứa con chưa đến tuổi trưởng thành của ông Lê Kim Nhượng và bà Nguyễn Thị Bốn đang mưu sinh ở nơi xa, nghe tin lũ quét qua xóm, vội vã chạy về thì đã không còn thấy ngôi nhà của mình.

Sau nhiều giờ lục lọi khắp làng vẫn không thấy cha mẹ, hai em đành chạy đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chấp nhận điều đau lòng nhất là không còn cha mẹ. Thi thể của cha mẹ các em bầm nát, quyện đầy bùn đất sau khi được các lực lượng chức năng kéo lên từ dưới lớp bùn đá, đưa lên xe chở đến bệnh viện. Đứa con gái lớn gọi điện về báo với người hàng xóm đã tìm thấy cha, rồi nghẹn ngào hỏi: “Giờ biết đưa ba mẹ con về đâu để tang lễ?!”.

Đã hai ngày cơn lũ dữ đi qua, bầu trời Nha Trang đã chói chang sắc nắng, nhưng nỗi đau thương vẫn trĩu nặng nơi ngôi làng bên sườn núi Hòn Rớ này. Những ngày này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ BĐBP Khánh Hòa đã cùng với các lực lượng vũ trang tỉnh và cả cộng đồng đang hướng về, tận lực, dốc sức giúp người dân nơi này vượt qua đau thương, sớm ổn định cuộc sống. Những người lính với nhiều sắc phục các binh chủng vẫn kiên trì, lặng lẽ, dùng tay, sức người khiêng đi từng hòn đá tảng, dùng xà ben, cuốc để nạy đá, đào đất tìm thi thể người mất tích. Một số anh em tỏa ra đi giúp các gia đình bới tìm lại những tài sản, xe máy, vật dụng quan trọng bị lũ cuốn vùi trong đất đá.

Có mặt tại hiện trường ngay từ giờ phút đầu tiên tham gia tìm kiếm người bị mất tích, Thượng úy Nguyễn Văn Giang, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Hòn Rớ cho biết, nghe chị Linh, Tổ trưởng thôn Thành Phát báo tin lũ quét làm sập rất nhiều nhà dân, anh và một đồng đội vội chạy đến khu vực này. Suốt con đường ngược dốc lên hiện trường vụ sạt lở, nước trên núi đổ xuống như thác, hai anh em cứ đi men theo sát nhà dân và bám vào hàng rào hai bên đường để lên tiếp cận người bị nạn. Đến nơi, anh cùng với một số bà con phải cố sức lật những hòn đá tảng, dùng tay bới bùn, đất đá để kéo người rồi tìm võng làm cáng, khiêng người đi cấp cứu.

Cùng với BĐBP Khánh Hòa, hai ngày qua, thành phố Nha Trang đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội gồm: Trường Sĩ quan Hải quân, Sư đoàn 305 Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an Khánh Hòa đến nơi này tham gia tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm đang gặp rất nhiều khó khăn do địa hình trên núi, toàn bộ đường đi lại đã bị lũ cuốn sạt lở, không thể đưa các phương tiện cơ giới lên được mà chủ yếu là dùng sức người. “Dù khó khăn, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để tìm được người cuối cùng còn nằm dưới đống đổ nát này để phần nào giảm bớt đau thương cho người dân” - Thượng úy Giang nói.

Nhà văn hóa thôn Thành Phát ngập sũng bùn lầy đã được anh em bộ đội rửa dọn để có nơi tổ chức tang lễ cho những người tử nạn và làm chỗ trú ngụ tạm thời cho hàng chục gia đình mất nhà cửa sau trận lũ quét. Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng thôn Thành Phát cho biết, từ hôm xảy ra lũ, Hội Phụ nữ xã Phước Đồng đã lập ngay một điểm nấu thức ăn tại chân núi, để giúp cho bà con có cái ăn, không bị đói. Chị em tiểu thương ở chợ Bình Tân cùng nhiều mạnh thường quân đã đem hàng trăm thùng mì tôm, gạo, quần áo, chăn màn tiếp tế cho bà con bị nạn.

Một chiếc thùng quyên góp từ thiện đặt nơi góc sân của Nhà văn hóa thôn Thành Phát cũng đầy lên trong mỗi giờ trôi qua cùng với dòng người từ khắp nơi đổ về thăm người dân xóm Núi. “Ngọn lửa yêu thương của cộng đồng đang giúp cho những người dân xóm nghèo chúng tôi được sưởi ấm, để vượt qua đau thương. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và vẫn phải sẵn sàng cho những cuộc ứng phó mới với thiên tai” - Chị Hoa bộc bạch.

Phương Oanh - Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ghi-o-noi-con-lu-quet-di-qua/