Ghi ở vùng đất thiêng Côn Đảo những ngày cuối năm

Năm nào đến Côn Đảo vào dịp cuối năm, chúng tôi cũng được chứng kiến những dòng người đổ về với hương, hoa... Họ về nơi đây để được bày tỏ lòng thành kính niềm biết ơn vô hạn, về đây cũng là để được tắm trong không gian linh thiêng, được thấy rõ mình và được sống chậm lại để chiêm nghiệm nhiều hơn...

Con đường từ sân bay Côn Đảo về thị xã được thắp lên những ánh sáng mùa Xuân bởi hàng anh đào nở hoa đỏ thắm. Người lái xe taxi Hoàng Mạnh Tuấn vồn vã bằng giọng Nghệ: “Các anh chị tới đây lần đầu à?”, để sau câu chào đó chúng tôi như những người quen lâu ngày gặp lại và thế là những câu chuyện đồng hương, những câu chuyện về đời sống Côn Đảo cứ thế tuôn trào suốt quãng đường.

Anh Tuấn tình nguyện đăng ký Tết năm nay ở lại đảo dù anh chỉ mới ra đảo làm việc năm nay, nỗi nhớ nhà và hai con thơ tận TP. Vinh thân yêu luôn khiến anh cay mắt mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Anh bảo rằng, ở lại đây ăn Tết với người dân của đảo cũng là cách anh muốn được trải nghiệm nhiều hơn với đời sống chậm, yên bình nơi đây, cũng để cảm nhận nhiều hơn những điều tử tế mà anh được nhận rất nhiều từ bà con huyện đảo cũng như du khách gần xa khi đặt chân lên vùng đất thiêng này.

Những câu chuyện nhân lên những điều tử tế ấy được nhân dân huyện đảo này xem đó là điều đương nhiên, là việc cần bồi đắp mỗi ngày bởi đó là sự tri ân ý nghĩa nhất đối với các anh hùng liệt sỹ đang nằm lại dưới lớp sóng bình yên kia, dưới mỗi tấc đất cây cỏ xanh tốt bời bời này. Đó là việc mỗi người dân luôn là một hướng dẫn viên cho du khách, luôn sẵn lòng mỗi khi du khách cần sự giúp đỡ. Người lái taxi kể rằng, trên đảo chúng tôi luôn thờ phụng cô Sáu nên luôn nghĩ rằng cô sẽ biết hết những việc làm hoặc tâm đức của mình, thế nên không ai dám gian dối, không ai dám ăn ở hai lòng.

Một góc huyện đảo.

Một góc huyện đảo.

Côn Đảo hiện có hơn 4.000 dân, phần lớn người dân sở tại đều quen biết nhau, ấy thế mà người ta chả bao giờ xoi mói nhau. Sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp trong khu nghĩa trang, cứ mỗi lần thành lễ, người lái taxi lại cần mẫn sắp xếp lại ban thờ, hoặc thu dọn kệ đĩa, chăm sóc các phần mộ. Với họ đó là việc làm thường xuyên, là nguyên cớ để họ được tri ân, và được thanh thản. Bởi vậy, du khách vừa đặt chân tới đây đã có cảm giác gần gũi thân quen, thư thái và yên bình.

Theo một cán bộ huyện đảo Côn Đảo, từ năm 1975 đến nay, nhiều đợt cư dân mới đã tới với Côn Đảo và đều được chính quyền và những người đã ra đảo trước đó tiếp đón, hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể sống tốt trên đảo. Dù vậy không phải ai cũng thích nghi được trên đảo lâu dài, họ trở về đất liền với nhiều lý do khác nhau. “Với những người còn ở lại đây đều như anh em bà con, luôn sẵn sàng chia sẻ với nhau. Theo thống kê của công an thì năm 2019, Đảo chỉ có 3 vụ trộm. Xe máy có để ngoài đường cả tuần cũng chả ai lấy, đồ đạc ai quên gì ở đâu cứ nguyên ở đấy, thậm chí còn được đưa đến trả tận nơi”, anh Tuấn, người lái taxi nói.

Những ngày cuối năm huyện đảo lung linh cờ hoa rợp trời.

Lạ là ở đây người Nghệ An rất nhiều, chiếm tới 30% dân số, chủ yếu người huyện Thanh Chương, có người ra đây hãy còn tay trắng nay đã trở thành ông bà chủ của chuỗi nhà hàng quán cà phê. Họ cứ cần mẫn gây dựng, cần mẫn làm ăn để rồi có ngày họ nhận được trái chín, quả ngọt và tình nguyện sống đến cuối đời với đảo. Như ông bà chủ một quán cà phê trên đảo đã ở đây chừng 20 năm, họ đến với đảo và chỉ nghĩ rằng chỉ tá túc nơi đây sau nhiều biến cố, khi nào vùng trời đất liền nơi họ sinh sống không còn sóng gió với họ, thì sẽ quay về. Thế nhưng, 5 năm rồi 10 năm, 20 năm trôi qua, chưa năm nào họ muốn rời đảo, muốn xa nơi mà họ gọi là vùng đất thứ hai họ được tái sinh, là quê hương thứ hai của mình.

Khảo sát dân số Côn Đảo đến năm 2019 cho thấy, cư dân nơi đây đến từ 60/64 tỉnh, thành của cả nước. Cuộc sống Côn Đảo vì thế có rất nhiều nét văn hóa độc đáo, đa sắc màu. Tết đến, trong nồi bánh chưng xanh có cả bánh tét, nét văn hóa của người miền Trung hòa trộn trong nhiều vùng miền khác. Hay mâm cỗ Tết ở đây còn có cả canh chua, cá kho tộ xen với thịt đông, văn hóa Bắc, Trung, Nam trộn lẫn trong một gia đình cư dân trẻ ở đây, không phải chuyện hiếm.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngoài việc phục vụ du khách xa gần hành hương về đảo, bà con nơi đây vẫn dành cho mình những không gian riêng. “Đêm Giao thừa mỗi thôn xóm đều quây quần tại nhà văn hóa để cùng vui chung bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, hát tặng nhau câu ví giặm. Nhiều người thuộc cả những bài giặm cổ, hát xong thấy nhớ quê nhà da diết, vì thế lại thấy gần nhau hơn, tình anh em ở đảo cứ thế nhân lên theo thời gian”, chủ quán cà phê người Thanh Chương cho biết.

Ở đảo tất cả là người thân, quen; khi một người dân đảo nằm xuống, cả đảo đến viếng thăm, đưa tiễn. Khi một người chẳng may bị tai nạn, lập tức sẽ nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác. Do y tế ở đây chưa được như đất liền nên nhiều người bị bệnh, hoặc chẳng may tai nạn giao thông nhờ tinh thần tương thân tương ái của bà con đã kịp thời được đưa về đất liền cứu chữa.

Hoạt động y tế, thương mại ở Côn Đảo có những đặc trưng mà ở bất kỳ vùng đất liền nào cũng rất muốn hướng đến. Bệnh nhân đến khám bệnh không bao giờ gặp phải cảnh vòi vĩnh, hạch sách. Dù bệnh nhân là ai, bác sĩ, y tá vẫn sẵn lòng cứu chữa với tinh thần khám, chữa bệnh như cho người thân của mình. Chuyện làm ăn buôn bán lại càng lạ, giá cả không bao giờ được người bán hét trên trời, họ chỉ định lượng số vốn, công lênh rồi định giá vừa phải, không có chuyện chặt chém khách lạ… Vì thế người mua lại càng không có thói quen cò kè thêm bớt…

Có một điều đặc biệt ở Côn Đảo không có nhiều cơ sở thờ tự, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người dân ở đây thường gửi gắm tâm nguyện của mình đến Đức bà Phi Yến, và nữ anh hùng Võ Thị Sáu và các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương. Nhân dân Côn Đảo luôn tâm niệm rằng, dù nữ anh hùng Võ Thị Sáu và các anh hùng đã mất đi nhưng linh hồn của họ vẫn tiếp tục ở đây dõi theo, phù hộ cho nhân dân Côn Đảo được sống trong bình yên.

Đoàn công tác Báo Nghệ An dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Vào các ngày lễ, Tết, nhân dân Côn Đảo đều đến thắp hương tưởng niệm, hàng năm đều long trọng tổ chức lễ giỗ chị Sáu và các anh hùng liệt sỹ khác… Văn hóa tâm linh ở Côn Đảo vì thế không hề mang nặng tính siêu nhiên, mê tín mà là lòng biết ơn và ngưỡng mộ chân thành.

Rời Côn Đảo trong ánh nắng ban mai hắt lên mỗi cành anh đào thắm đỏ, trong lòng mỗi du khách như mong chuyến tàu trễ hơn để được lưu lại nơi đây lâu hơn nữa. Côn Đảo ngày bình yên hôm nay càng làm cho ta thấm hơn ý nghĩa của tự do, của hòa bình, được đánh đổi bởi máu xương của lớp lớp cha anh đã kiên cường ngã xuống, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/ghi-o-vung-dat-thieng-con-dao-nhung-ngay-cuoi-nam-261319.html