Ghi ở vùng trũng Đồng Tháp

Từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, con nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về đồng bằng sông Cửa Long. Tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, những cánh đồng xanh trước đó bỗng trở nên mênh mông sóng nước. Ở vùng biên tỉnh Đồng Tháp, năm nay lũ về, người dân lại bộn bề với bao công việc.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước mặc áo phao giúp các em học sinh đến trường trong ngày khai giảng. Ảnh: Hồ Phúc

Những ngày giữa tháng 9, tại khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp là thời điểm nước lũ dâng cao, màu nước trên các con sông và những cánh đồng đục ngầu, nhiều nơi đường sá bị sạt lở và ngập chìm trong nước. Mùa lũ miền Tây nhiều người dân vẫn thường gọi là mùa nước nổi.

Từ nhiều năm nay ở miền sông nước này, nhà nào cũng sắm hai loại phương tiện giao thông là xe gắn máy để chạy vào mùa khô và ghe, xuồng máy để chạy băng đồng vào mùa lũ. Hằng năm, lũ về thì nơi đây lại có rất nhiều đặc sản như cá linh, tôm, chuột đồng, lươn đồng, bông điên điển... Nhờ đó mà hoạt động mua bán, tham quan, du lịch cũng trở nên nhộn nhịp.

Tại khu vực ven sông Sở Hạ, ấp Bình Thạnh B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), nước sông lên ngập trắng xóa các con đường. Nhiều nhà sàn nước đã ngấp nghé, cách sàn chừng 30cm. Ông Lê Văn Sữa, một người dân sống hơn 30 năm tại khu vực này chia sẻ: “Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm. Những ngày đầu nước lên, trên các dòng sông, cánh đồng nước mênh mông tấp nập xuồng ghe đi hái bông điên điển và giăng lưới bắt cá linh. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, nước lũ không ngừng dâng cao, người dân không đánh bắt cá được nữa. Hơn 60 hộ chúng tôi sinh sống ven sông đều phải dùng ghe để đi lại”.

Nhìn dòng sông đang cuồn cuộn chảy xiết, ông Sữa nói tiếp: “Mấy năm trước, lũ về, mọi người tích cực ra đồng đánh bắt cá, tôm, các loại đặc sản mà chỉ về mùa lũ mới có. Năm nay, chỉ được mấy tuần đầu, người dân còn đánh bắt cá, tôm được. Còn hiện tại, nước trên các cánh đồng đã ngập sâu hơn 2m, nước sông lại chảy xiết, không thể thả lưới được nữa. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải mua cá, tôm về ăn...”.

Thiếu tá Phùng Đắc Trọng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Đồng Tháp cho biết: “Nắm bắt được quy luật lên xuống của lũ hằng năm, nên bà con đã thu hoạch từ sớm diện tích lúa và hoa màu ngoài đê bao. Còn trong đê bao, nước lũ không ảnh hưởng, nên người dân đã gieo mạ cho vụ Thu Đông. Ấp Bình Thạnh B là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất của xã Bình Thạnh. Những ngày qua, Chỉ huy đơn vị cũng đã cử cán bộ nắm tình hình các địa bàn. Máy sản xuất nước sạch tại đồn luôn hoạt động đảm bảo nước cho bà con ăn uống, sinh hoạt”.

Được biết, ấp Bình Thạnh B là một trong những vùng trũng nhất tại khu vực biên giới Đồng Tháp. Nếu như 3 năm về trước, nước lũ tại sông Sở Hạ dâng cao nhất cũng chỉ ngấp nghé con đường bê tông sát bờ sông; thời điểm hiện tại, con đường này đã ngập chừng 1m. Còn tại ấp Giồng Bàn, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, đã gần 2 tháng nước lũ dâng cao, kèm theo sóng lớn đã làm sạt lở và ngập con đường chừng hơn 3km nối liền từ ấp Giồng Bàn ra trung tâm xã Thường Phước 1 và huyện Hồng Ngự. Nước ngập đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trên địa bàn, nhất là việc đi học của các em học sinh.

Ông Đặng Văn Bé, Trưởng ấp Giồng Bàn chia sẻ: “Những năm trước, đến mùa nước lên, sóng lớn cũng mới chỉ làm sạt lở một số đoạn đường. Thế mà năm nay, nước dâng cao không chỉ làm sạt lở mà con đường liên xã còn ngập sâu trong nước, có những nơi ngập gần 3m. Xung quanh ấp là đồng ruộng, nay nước lên đã ngập trắng xóa. Con đường duy nhất nối từ ấp vào trung tâm xã cũng bị ngập. May mắn khu vực dân ấp cư trú có địa hình cao nên nước không ngập tới. Chỉ thương các cháu học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, việc đến trường rất vất vả, phải đi lại bằng ghe, xuồng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày khai giảng đến nay, ấp Giồng Bàn có 24 em học sinh trung học cơ sở và 3 em học sinh trung học phổ thông đều phải đến trường bằng xuồng. Nếu các em học buổi sáng thì phải đi từ lúc 5 giờ; 12 giờ rưỡi, thậm chí hơn 1 giờ chiều mới về đến nhà. Còn những em học buổi chiều thì phải đi học từ lúc 11 giờ trưa đến tối mịt mới về.

Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, cho biết: “Ngay khi được dự báo về tình hình diễn biến lũ năm nay, Chỉ huy đơn vị đã cử anh em xuống nắm tình hình các địa bàn, cử lực lượng cùng với địa phương gia cố những đoạn đê, đường có nguy cơ sạt lở. Đối với các em học sinh tại ấp Giồng Bàn, chúng tôi phối hợp với địa phương vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm tặng áo pháo cho các cháu để mặc khi đi ghe đến trường. Những hôm trời mưa, đi lại khó khăn, anh em phải trực tiếp đi kèm cùng các cháu. Việc đảm bảo an toàn đi lại cho các em học sinh về mùa này được đơn vị và địa phương đặc biệt chú trọng”.

Đồng Tháp năm nay người dân không chạy lũ, tránh lũ như thời xa xưa nữa. Lũ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đến việc học tập, vệ sinh môi trường..., nhưng người dân nơi đây cũng đã quen. Trong suy nghĩ của những mỗi người dân nơi đây luôn mong muốn, sau mùa lũ này, lượng phù sa nằm lại sẽ là nguồn lợi tốt không gì bằng cho cây trồng vụ sau, hứa hẹn mang lại cuộc sống ấm no, khấm khá cho bà con vùng sông nước này.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ghi-o-vung-trung-dong-thap/