Ghi sổ theo dõi: Người kinh doanh gas than khó

'Nếu phải thực hiện ghi sổ, chúng tôi phải tăng nhân sự, có thể là gấp đôi so với hiện tại mới có thể đảm bảo năng suất lao động. Nếu dùng phần mềm thì mất thời gian để xây dựng, thiết kế, chỉnh sửa... Còn nếu ghi bằng tay thì khối lượng công việc khủng khiếp'.

Đại diện Công ty Anpha Petro phân tích tại hội nghị triển khai Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh Khí do Sở Công Thương TPHCM tổ chức hôm nay, 27-7.

Doanh nghiệp gas kêu khó thực hiện quy định sổ theo dõi. Ảnh: Minh Tâm

Quy định về việc thương nhân đầu mối phải có sổ theo dõi nạp chai LPG (bình gas) và cửa hàng bán lẻ phải có sổ theo dõi bán hàng nằm trong Nghị định 87/2018 là một trong những nội dung được bình luận nhiều nhất tại hội nghị. Nói như đại diện của Anpha Petro thì tiếng rầm rầm bàn luận của doanh nghiệp phía dưới khi cán bộ Sở Công Thương TPHCM trình bày về nội dung này trong phần giới thiệu về Nghị định 87 đã phần nào cho thấy quy định này sẽ gây khó ra sao.

Đại diện Anpha Petro phân tích, những doanh nghiệp là thương nhân phân phối như bên bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, việc ghi sổ sẽ chi tiết đến từng số seri. Với những chai LPG đưa ra thị trường lần đầu sau sản xuất thì việc sổ sách có thể lập ra. Vấn đề là đặc thù của chai LPG là xoay vòng, tái sử dụng nên các số seri sẽ trộn lẫn.

Còn về việc lập sổ ghi chép bằng tay hay phần mềm thì dù là gì cũng đều không dễ. Dùng phần mềm thì cũng cần thời gian thiết lập, xây dựng theo nhu cầu doanh nghiệp, chạy thử nghiệm, chỉnh sửa… Đó là chưa kể không phải ai cũng có đủ khả năng làm phần mềm. Còn nếu ghi tay thì khối lượng công việc sẽ rất khủng khiếp.

“Do vậy, chúng tôi kiến nghị, cơ quan quản lý cần có hành lang pháp lý thuận lợi để chúng tôi vừa tuân thủ được quy định, vừa đảm bảo năng suất lao động. Việc thực thi cũng cần có lộ trình, không thể áp dụng từ ngày 1-8 như nghị định yêu cầu”, đại diện Anpha Petro nói.

Đại diện Total Gas thậm chí còn bi quan hơn. Bà này cho rằng với các thương nhân xuất nhập khẩu, việc "ra hàng" không đi theo tuần tự seri nên việc ghi chép sổ sách là không được, chứ không phải là từ từ tìm cách. Vì vậy, ý kiến của đại diện Total là bỏ quy định.

Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ gas cũng than khó với quy định có sổ theo dõi. Theo một chủ cửa hàng, lâu giờ hầu hết các cửa hàng đều có sổ ghi chép việc bán ra: chai loại nào, trọng lượng ra sao… khi có khách gọi điện mua hàng. Tuy nhiên, yêu cầu ghi số seri trên từng chai (chi tiết vốn dập nổi trên quai của bình gas) thì không có cách nào nhập số liệu nào ngoài bằng tay. Theo bà, mỗi ngày cửa hàng phải bán cả trăm bình thì mới đủ chi phí trang trải mặt bằng, nhân công… và yêu cầu nhập bấy nhiêu số seri là rất mất thời gian.

Đại diện một chủ cửa hàng khác thì băn khoăn, ghi sổ với từng số seri như thế nào khi thời gian giao gas, vận chuyển từ xe xuống cửa hàng luôn phải nhanh nhất có thể (tránh bị cảnh sát giao thông phạt). Ông này cũng cho rằng, nếu bắt buộc thực hiện thì cần có mẫu chung của sổ ghi chép để tất cả cùng thực hiện. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu, mỗi cơ quan kiểm tra kiểm mỗi kiểu và hậu quả là các cửa hàng “chết luôn”.

Doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Tâm

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TPHCM thì bình luận, quy định khó nhất với các cửa hàng gas theo Nghị định 87 chính là phải có sổ theo dõi. “Với Nghị định 19, cửa hàng bị khống chế chỉ được ký hợp đồng với ba thương nhân. Nghị định này thì cho ký thoải mái nhưng ràng buộc lại bằng sổ theo dõi. Nếu làm sổ, phiếu hướng dẫn an toàn… thì rất tốn thời gian cho các cửa hàng. Tuy nhiên, nghị định đã quy định như vậy thì phải thực thi”, ông Y nói.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, sổ theo dõi là điểm hoàn toàn mới của Nghị định 87 so với các văn bản quy phạm pháp luật từng có trong lĩnh vực. Góc nhìn của cơ quan quản lý là qua khâu luân chuyển hàng hóa thì phải lập sổ theo dõi. Quy định này khắc phục được tình trạng trước nay là không theo dõi hoạt động theo chuỗi, không kiểm soát từng khâu nên khi xảy ra tình trạng mất an toàn, các bên liên quan không nhận trách nhiệm...

Nhưng, mới nên sẽ khó. Việc còn lại tìm cách thực hiện sao cho thuận lợi. Nếu làm thủ công ghi chép bằng tay thì phù hợp với cửa hàng bán lẻ, bán khoảng 30-40 bình/ngày. Còn thương nhân chiết nạp với công suất cả ngàn chai thì sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Đông, Sở Công Thương ghi nhận ý kiến này của doanh nghiệp và sẽ có đề xuất với Bộ Công Thương tại hội nghị phổ biến về Nghị định 87 cho các doanh nghiệp phía Nam diễn ra tại Bình Dương vào 2-8 tới.

Nghị định 87/2018 về kinh doanh Khí được ban hành ngày 15-6-2018 và có hiệu lực từ 1-8. Đây là văn bản quy phạm pháp luật thay thế cho Nghị định 19/2016 vốn gây chia rẽ trong các doanh nghiệp kinh doanh gas trong thời gian vừa qua. So với Nghị định 19, văn bản này đã tháo bỏ hết các điều kiện kinh doanh của thương nhân như sở hữu vỏ bình, bồn chứa...

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276084/ghi-so-theo-doi-nguoi-kinh-doanh-gas-than-kho.html