Giá cả âm thầm leo thang

Giá nhiều mặt hàng như rau xanh, gạo, thực phẩm... đã nhích lên trong khoảng 2 tuần nay. Do giá thành của các mặt hàng này không quá cao nên người tiêu dùng không chú ý, song lại là những mặt hàng có mức độ tăng giá lớn. Kiểm soát giá những mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh thu nhập của đa phần người lao động gặp khó khăn là vấn đề cấp thiết.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có dấu hiệu nhích lên từng ngày. Ảnh: Quang Vinh.

Chị Phan Kim Oanh ở tòa nhà MHDI trên trục đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sáng ngày 17/8, chị giật mình khi giá rau xanh cao bất ngờ, cụ thể rau muống 9.000 đồng/bó, mồng tơi 11.000 đồng/bó...

Đi chợ mỗi ngày mỗi khác

“Đang mùa rau muống, mồng tơi mà giá mỗi ngày một khác. 2 hôm trước tôi đi chợ rau muống chỉ có giá 7.000 đồng/bó. Tôi hỏi sao rau xanh tăng giá từng ngày được trả lời do thời tiết nắng mưa thất thường nên rau xanh hiếm”- chị Oanh nói.

Ông Bùi Đình Soa, ở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cũng cho biết, đi xuống quầy tạp hóa mua lọ tương cà chua thì mới biết giá mỗi lọ tương cà đã tăng lên 13.000 đồng, trong khi giá cách đây 2 tháng chỉ 10.000 đồng. Hay loại mỳ chũ 1kg/ gói cũng tăng từ 22.000 đồng lên 25.000 đồng.

Tiểu thương tại các sạp rau, hoa quả ở chợ cũng cho biết, thời gian này nhiều loại rau vào cuối vụ nên giá có nhích tăng chẳng hạn; dưa chuột 20.000 đồng/kg; rau muống 9.000 đồng/mớ.

Chị Nguyễn Thu Nga - tiểu thương bán trứng ở chợ Gia Lâm (quận Long Biên) cho biết, mỗi ngày chị bán hơn 500 quả trứng gà, vịt, cút. Giá trứng gà hiện khoảng 3.300 đồng/quả tùy loại; trứng vịt 3.000 đồng/quả.

Có thể thấy, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Hà Nội đang có dấu hiệu tăng. Ngày 17/8 tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Mai Động, chợ Hôm, chợ Trương Định, Thành Công, chợ đầu mối phía Nam… các loại rau truyền thống giá bán biến động nhẹ như rau muống từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; súp lơ xanh từ 33.000 - 36.000 đồng/kg; cải chíp từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; hành lá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; cà chua có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg… Tuy nhiên các loại rau củ quả theo mùa như rau ngót đã tăng từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/mớ so với tuần trước; bắp cải lên hơn 20.000 đồng/kg; rau mùng tơi từ tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng/mớ; bí xanh từ 10.000 đồng/kg nay đã lên 15.000 đồng/kg, mướp hương tuần trước chỉ 18.000 đồng/kg nay lên 22.000 đồng/kg;...

Giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ dân sinh cũng có biến động tăng dần. Như giá thịt lợn dao động từ 110.000 - 160.000 đồng/kg, cụ thể giá thịt ba chỉ là 140.000 đồng/kg; sườn non tăng 10.000 đồng lên 150.000 đồng/kg; nạc vai tăng 12.000 đồng lên 110.000 đồng/kg…

Đáng chú ý là giá thịt bò đã tăng dao động trong khoảng 210.000 - 240.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm tăng trung bình 10.000 đồng/kg như gà lông đang có giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; vịt thịt tăng 20.000 đồng/kg lên mức 50.000 - 70.000 đồng/kg; trứng gà ta trước có giá 28.000 - 30.000 đồng/chục nhưng nay tăng lên từ 32.000 - 35.000 đồng/chục.

Giá gạo những ngày qua cũng biến động tăng rõ rệt, hầu hết các loại gạo đều tăng giá trên dưới 10%. Hôm 17/8, giá gạo ST25 tại các cửa hàng ở Hà Nội đang có giá 28.000-30.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu tăng 4.000 đồng lên 19.000-20.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên bán với giá 19.000-20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng so với trước; gạo Bắc Thơm lên 17.000 đồng/kg...

Là chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại quận Hà Đông, chị Nguyễn Thi Hoa cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá nhập các loại hàng chế biến sẵn và hóa mỹ phẩm đều đã nhích dần lên nhưng người bán không dám tăng giá vì sức mua không cao.

Điều mà nhiều người tiêu dùng lo lắng nhất là sắp bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh phải mua sắm quần áo mới, giày dép mới cho con em. Và theo thường lệ, giá các mặt hàng liên quan đến nhu cầu mang tính thời điểm sẽ nhích tăng.

Chị Hoàng Thu Huệ (ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Đầu năm học mới có thêm nhiều khoản chi cho các con, trong khi thu nhập của tôi từ công ty vẫn giữ nguyên. Cứ như thế này thu nhập sẽ không cáng đáng nổi đà tăng giá”.

Nhận xét về diễn biến giá cả, nhiều chuyên gia thị trường cho rằng doanh nghiệp (DN) hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một vài mặt hàng âm thầm tăng giá là do tính thời vụ, bản thân DN và người bán hàng cũng mong muốn giá ổn định để tiêu thụ được hàng hóa tốt nhất, mà không bị tồn đọng vốn.

Theo Tổng cục Thống kê, các tháng cuối năm, giá cả nhóm hàng thực phẩm có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao. Theo đó, áp lực chi tiêu vẫn nặng gánh với người tiêu dùng. Để giữ ổn định thị trường, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng DN cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Giá nhiều loại rau, củ, quả, lương thực đang nhích lên. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗ lực kiểm soát lạm phát

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế còn gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, năm 2023 mục tiêu đề ra là kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Theo PGS Phan Thế Công - Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Thương mại), khả năng cao chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ đảm bảo đạt khoảng 4,5% trong cả năm 2023.

Phân tích cụ thể, ông Công cho biết, hiện nay, giá nguyên nhiên vật liệu, xuất nhập khẩu có xu hướng tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, nguyên nhiên vật liệu vẫn cao và tạo áp lực lên DN trong bối cảnh gặp khó khăn. Áp lực sẽ tác động đến CPI cuối năm khi điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế giáo dục, từ đó tác động mạnh đến CPI. Nếu học phí tăng đúng lộ trình vào tháng 9 thì sẽ tác động mạnh đến CPI.

Ông Công cũng cho rằng, việc tăng lương kể từ ngày 1/7/2023 sẽ kéo theo giá dịch vụ tiêu dùng tăng. Khi tăng lương cơ bản thì giá lương thực thực phẩm sẽ có xu hướng tăng theo, trong khi giá này chiếm quyền số cao trong CPI. Tuy nhiên, mức tiêu dùng của Việt Nam đang thấp và luôn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa thiết yếu nên việc tăng lương có thể làm tăng giá hàng hóa nhưng mức tăng sẽ không đột biến.

Từ đó, ông Công nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Đồng thời, tình hình mưa bão, thiên tai từ nay đến cuối năm sẽ làm ảnh hưởng đến các địa phương; Giải ngân đầu tư công tập trung vào cuối năm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.

Còn đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, sự chủ động cũng phải tiếp tục đến từ các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có việc thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu...

Việc phục hồi phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian còn lại năm 2023, Cục Quản lý Giá nêu rõ, cần tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi).

H.Hương-P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-ca-am-tham-leo-thang-5726098.html