Giá cà phê hôm nay 11/5: Thị trường phái sinh duy trì đà giảm, rủi ro tăng cao; một số thị trường giảm nhập từ Việt Nam

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, khiến hoạt động sản xuất và thông quan hàng hóa diễn ra không thuận lợi. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung khác, nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Giá cà phê trong nước hôm nay 11/5, giảm tiếp 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: Foodyoushouldtry)

Giá cà phê hôm nay 11/5

Trên thị trường thế giới, giá cà phê duy trì đà giảm. Lo ngại rủi ro tăng cao với chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở Mỹ và khả năng kinh tế Trung Quốc suy giảm khi nước này vẫn kiên trì với chính sách “Zero covid”, USD tăng giá liên tiếp và tỷ giá đồng Real sụt giảm trở lại, tiếp tục đẩy giá cà phê kỳ hạn giảm sâu.

Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 9/5), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm nhẹ 11 USD (0,54%), giao dịch tại 2.009 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 7 USD (0,35%) giao dịch tại 2.013 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng biến động mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 2,30 Cent (1,12%), giao dịch tại 203,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 2,25 Cent/lb (1,09%), giao dịch tại 203,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng tốt.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 11/5, giảm tiếp 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm.

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Giới chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội hiện nay sẽ không kéo dài qua hết quý này và thị trường sẽ “quen dần” khi các NHTW lớn trên thế giới thay đổi lãi suất cơ bản tiền tệ. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, lạm phát đang vượt quá tầm kiểm soát. Theo thông lệ, khi lạm phát giá có vấn đề sẽ đẩy giá các tài sản giấy như cổ phiếu và trái phiếu giảm, đồng thời đẩy giá các tài sản cứng như hàng hóa thô và bất động sản tăng cao.

Hội thảo Cà phê quốc tế lần thứ 23 tại Santos, Brazil, sẽ được tổ chức vào 2 ngày 11-12/5 tới, với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất và kinh doanh cà phê trên thế giới, nhằm tìm kiếm những giải pháp mới cho các vấn đề liên quan đến ngành cà phê hiện nay.

Năm 2021, thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn có xu hướng tăng, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Do đó, hầu hết các quốc gia có dung lượng thị trường lớn đều tăng nhập khẩu cà phê phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và ngành công nghiệp sản xuất cà phê chế biến, ngoại trừ Anh giảm 6,2% so với năm 2020.

Đối với ngành cà phê Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất và thông quan hàng hóa diễn ra không thuận lợi. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung khác, nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Dự báo trong quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tự do đang tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3/2022 và tháng 4/2022 có xu hướng giảm do áp lực nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao.

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-ca-phe-hom-nay-115-thi-truong-phai-sinh-duy-tri-da-giam-rui-ro-tang-cao-mot-so-thi-truong-giam-nhap-tu-viet-nam-183046.html