Giá cà phê ở Nga tăng hơn gấp đôi trong vòng 7 năm

Nếu muốn nhâm nhi một tách cà phê, người Nga hiện phải trả giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần so với bảy năm trước, hãng tin RBK đưa tin trong tuần này, trích dẫn nghiên cứu từ OFD Platform, một trong những công ty dữ liệu tài chính lớn thuộc Moscow.

Theo phát hiện này, giá trung bình của một cốc đồ uống 150-200ml trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 là 166 rúp (1,70 USD). Điều này đánh dấu mức tăng 11% so với năm ngoái và tăng đáng kể 118% so với giá năm 2016.

Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù tốc độ tăng giá chậm trước năm 2020 nhưng chi phí bắt đầu tăng đáng kể trong đại dịch Covid-19.

 Theo một phân tích, giá của một tách cà phê java đã tăng 118% kể từ năm 2016. Ảnh minh họa: Getty Images.

Theo một phân tích, giá của một tách cà phê java đã tăng 118% kể từ năm 2016. Ảnh minh họa: Getty Images.

“Một sự thay đổi nghiêm trọng về giá cà phê đã bắt đầu vào năm 2020, một năm gây sốc đối với ngành dịch vụ ăn uống khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó đã khiến giá một tách cà phê tăng 15% và lưu lượng khách hàng giảm đáng kể” - Giám đốc điều hành OFD Platform Alexey Barov cho biết.

Đồng thời, ông làm rõ rằng giá cà phê được phân tích trong nghiên cứu bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như chi phí cho hạt cà phê, sữa, nhân công, tiện ích và các chi phí liên quan khác, bên cạnh bất kỳ khoản tăng giá nào của các cửa hàng kinh doanh loại đồ uống “thứ thiệt” này.

Theo phân tích của ông Barov, việc tăng giá liên tục vào năm 2021 và 2022 là do một số yếu tố. Ông kết nối sự tăng trưởng này với sự tăng giá toàn cầu do thu hoạch cà phê kém năng suất ở các quốc gia sản xuất lớn.

Hơn nữa, sự ra đi của một số thương hiệu FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) khỏi Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow nhằm đáp trả việc nước này tham gia vào cuộc xung đột Ukraine cũng đóng một vai trò nào đó. Những yếu tố kết hợp này đã khiến giá trung bình của một tách cà phê tăng đáng kể 61% vào năm 2022.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng biến động tiền tệ do lệnh trừng phạt có tác động, đặc biệt là giá hạt cà phê nhập khẩu. Vào năm 2020, tỷ giá hối đoái trung bình khoảng 72 rúp đổi một đô la, cho thấy sự ổn định mà không có đột biến đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng trên 100 nhiều lần kể từ năm ngoái. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá hối đoái trung bình cho năm 2023 ở mức xấp xỉ 82 rúp mỗi đô la, nhưng tỷ giá hiện tại đã tăng lên trên 96.

Ngược lại, việc tăng giá cà phê đóng gói tại các cửa hàng ở Nga cho thấy ít biến động đáng kể hơn trong cùng thời kỳ. Trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9, giá trung bình là 289 rúp (2,90 USD) mỗi gói, tăng khiêm tốn 1% so với cùng kỳ năm trước nhưng đánh dấu mức tăng đáng kể 52% so với số liệu năm 2016. Lần tăng giá đáng kể nhất của sản phẩm này xảy ra vào năm 2022, khi chi phí tăng 28%.

Báo cáo này dựa trên 90 tỷ doanh thu từ cửa hàng cà phê và cửa hàng tạp hóa trong hệ thống BigData của OFD.

Kể từ ngày 23/5, Starbucks đã tuyên bố rút khỏi Nga sau gần 15 năm, gia nhập cùng những cái tên như McDonald’s trong cuộc tháo chạy khỏi thị trường này kể từ khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine.

Theo tin từ Reuters, chuỗi cửa hiệu cà phê có trụ sở ở Seatle, Mỹ sẽ đóng toàn bộ 130 cửa hiệu tại Nga. Đây là những cửa hiệu được vận hành bởi Alshaya Group, đơn vị được nhượng quyền, và sử dụng 2.000 lao động tại Nga.

Quyết định rút khỏi thị trường Nga của Starbucks có một lối đi khác so với cách mà một số công ty nước ngoài khác đã áp dụng.

Khác với nhiều công ty lũ lượt di cư khỏi xứ bạch dương, còn rất nhiều công ty phương Tây đã rời khỏi Nga sau xung đột Ukraine, và hãng cà phê đóng gói lớn thứ hai thế giới JDE Peet’s (Hà Lan) là một trong số các doanh nghiệp quyết định tiến hành một loạt thay đổi phù hợp để tiếp tục ở lại bán hàng.

“Rất có thể đây sẽ là cuộc chiến lâu dài, nghĩa là chúng tôi phải thực hiện một giải pháp dài hơi hơn”, Fabien Simon, Giám đốc điều hành JDE Peet’s nói.

Đây là một trong số ít các công ty lớn của phương Tây vẫn cởi mở chia sẻ về việc kinh doanh ở Nga. Trong khi, nhiều công ty khác dù duy trì làm ăn nhưng rất kín tiếng, giới hạn những gì họ nói trong những tuyên bố ngắn gọn, được viết sẵn. Lý do bởi các CEO sợ Chính phủ Nga hoặc công chúng phản ứng trả đũa.

JDE Peet’s là nhà sản xuất cà phê đóng gói lớn thứ hai thế giới sau Nestlé, với thị phần 10% toàn cầu so với 25%, theo Euromonitor. Năm 2022, doanh thu của JAB Holding - công ty mẹ đạt 8,2 tỷ euro (8,7 tỷ USD), tăng trưởng 16%. Riêng JDE Peet’s mang về 6,1 tỷ euro (6,4 tỷ USD), chiếm 74%.

Điệp Nguyễn (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-ca-phe-o-nga-tang-hon-gap-doi-trong-vong-7-nam-post265978.html