Gia cầm nối đuôi nhau chờ... xuất ngoại

Những lô hàng thịt gia cầm được xuất khẩu sang Nhật Bản với số lượng ngày càng tăng trong những tháng đầu năm 2019 cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, tổ chức sản xuất nghiêm túc, dư địa phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm còn rộng mở.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị bàn giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, có thể nguồn cung chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong một thời điểm nhất định. Đó là chưa kể, nhu cầu của thị trường thế giới về thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm cũng ngày càng tăng.

Chăn nuôi gia cầm còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: I.T

Chăn nuôi gia cầm còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: I.T

"Đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả”.

Ông Nguyễn Văn Trọng -
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong năm 2018, Cục Thú y đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm gia cầm xuất khẩu, gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang các nước theo yêu cầu của cơ quan thú y theo thẩm quyền của nước nhập khẩu.

Theo đó, Nhật Bản đã chính thức cho phép 2 công ty của Việt Nam là Koyu&Unitek và Công ty CP Hà Nội được xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng 1.500 tấn, trị giá 6 triệu USD.

Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng xuất khẩu sang Nhật của công ty này đạt 150 tấn thịt gà chế biến/tháng. Công ty CP Hà Nội dự kiến đưa chuyến hàng đầu tiên sang Nhật vào quý II/2019.

Tổng sản lượng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm xuất khẩu năm 2018 của cả nước đạt 25.762 tấn, tăng tới 124% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, ngành thịt gia cầm có thể xác định các thị trường mục tiêu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines; thị trường tiềm năng là: Ả rập Saudi, Nam Phi, UAE... Xuất khẩu gia cầm toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ tăng 3%, đạt mức 11,6 triệu tấn, trong đó, nhu cầu của Trung Quốc sẽ gia tăng vượt trội so với sản xuất trong nước. Dự báo nhập khẩu gia cầm của Trung Quốc sẽ tăng trưởng vượt mức 70% trong năm 2019.

Tiếp tục cải thiện năng lực sản xuất

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đạt được thành quả đó là do Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm rất phong phú, đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại, nguồn gen quý trong nước và chọn tạo ra các dòng giống mới.

Đồng thời, chăn nuôi gia cầm đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến cả về con giống và trang thiết bị, đã coi khoa học công nghệ là động lực phát triển, là lực lượng sản xuất quan trọng, đã có được những bước đột phá trong khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có tính cạnh tranh trên thị trường.

"Đã có nhiều thay đổi về phương thức nuôi, chất lượng con giống và sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp một cách hợp lý hơn, có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản và đã có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, xuất khẩu đi một số nước" - ông Trọng nói.

Dù vậy, ông Trọng cũng thừa nhận, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn còn nhiều tồn tại như chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu, yếu, chưa được giao trách nhiệm cụ thể; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp.

Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh giống được xây dựng tự phát, không đăng ký, nhân giống và sản xuất giống không theo hệ thống giống, không được kiểm tra, kiểm soát.

Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa, chiếm lĩnh được những thị trường khó tính, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm...

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gia-cam-noi-duoi-nhau-cho-xuat-ngoai-972609.html