Giá cổ phiếu Masan giảm, 'túi tiền' tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bị ảnh hưởng?

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan giảm giá sau sự cố thu hồi hơn 18.000 chai Chinsu tại Nhật, từ 88.300 đồng/cổ xuống còn 86.600 đồng/cổ; tương đương giảm 1,93% giá trị vốn hóa.

Như Chất lượng Việt Nam đã thông tin, mới đây, hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group; MSN) bị thu hồi tại Nhật Bản. Động thái này đã khiến giá cổ phiếu MSN giảm. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (8/4), MSN ở mức 86.600 đồng/cổ, giảm 1.700 đồng/cổ so với phiên giao dịch cuối tuần qua (5/4), tương đương giảm 1,93% giá trị vốn hóa.

Được biết, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN. Tuy nhiên, ông Quang vẫn được coi là ông chủ thực sự của Masan khi là cổ đông chính của công ty Cổ phần Masan (Masan Corp). Theo đó, thông qua Masan Corp, ông Quang đang sở hữu 377,596 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 32,46% vốn điều lệ Masan Group.

Ngoài ra, phu nhân của ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 42.415.234 cổ phiếu MSN, tương đương 3,65 % vốn điều lệ Masan Group. Mẹ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Quý Định đang nắm giữ 1,99 triệu phiếu MSN, tương đương 42,415,234 tỷ đồng. Như vậy, thông qua công ty liên quan và người thân, ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ tới gần 40% vốn điều lệ tại Masan Group.

 Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Masan bị thu hồi tại Nhật.

Hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su của Masan bị thu hồi tại Nhật.

Năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang được Bloomberg ghi nhận là 1 trong 2 tỷ phú USD mới tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018 với tài sản khoảng 1,2 tỷ USD. Ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh được xem là cặp bài trùng, tham gia ở cả 2 đế chế Masan và Techcombank. Gần đây, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.

Năm 2002, Masan đánh dấu sự có mặt ở Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là nước tương Chinsu, sang năm 2003 thêm sản phẩm nước mắm. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gói bằng sản phẩm Omachi.

Năm 2017, Masan tiếp tục mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Masan xác định mảng kinh doanh thịt heo trong nước đang được định giá 10,2 tỷ đô la Mỹ, sẽ là động lực tăng trưởng chính của MNS trong dài hạn. Kết thúc năm tài chính 2017, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 37.621 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 11.632 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận doanh thu hơn 38 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm liền trước. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) đạt gần 4.600 đồng/cp. Tổng tài sản đạt hơn gần 65 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu hơn 34.000 tỷ đồng.

Cũng trong 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận lợi nhuận sau thế đạt mức kỷ lục hơn 5,6 ngàn tỷ đồng. Masan Consumer Holdings (MCH) là doanh nghiệp thuộc Masan có tăng trưởng mạnh nhất.

Trong năm 2019, Masan kỳ vọng đà tăng trưởng tiếp tục mạnh ở tất cả các mảng kinh doanh, với doanh thu thuần ước tính tăng 18-30%. Về dài hạn, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hướng tới doanh thu 5 tỷ USD, chi tiêu người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, đạt 10.2%, và biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/gia-co-phieu-msn-giam-tui-tien-ty-phu-nguyen-dang-quang-bi-anh-huong-d157054.html