Giá cua biển ở Trà Vinh tăng gần gấp đôi

Tại các huyện ven biển Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), giá cua thương phẩm liên tục tăng cao từ đầu năm năm 2023 cho đến nay. Bình quân, nông dân nuôi cua biển lãi hơn 200 – 250 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, hộ chuyên nuôi cua biển ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, năm nay nhu cầu thị trường về cua biển thương phẩm tăng mạnh, nhưng cung không đủ cầu. Giá cua biển thương phẩm cũng không ngừng tăng cao từ 180.000 đồng (loại 4 - 5 con/kg) ở thời điểm đầu năm lên mức 250.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ dịp lễ 30/4 cho đến nay, giá cua gạch và cua thịt loại I (2 con/kg) tăng lên mức 650.000 - 700.000 đồng/kg, gần gấp đôi so năm 2022. Đây là mức giá cao cua biển cao nhất từ trước đến nay. Nông dân nuôi cua biển hiện nay đạt lợi nhuận hơn 100 - 130 triệu đồng/ha/vụ, với thời gian nuôi khoảng 4 tháng.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, tính đến ngày 10/5/2023, nông dân trong tỉnh đã thả nuôi hơn 15.615 ha cua biển, với số lượng hơn 105 triệu con giống, đạt trên 60% diện tích nuôi cua so năm 2022. Năm nay, nông dân trong tỉnh Trà Vinh tăng diện tích nuôi cua biển khá lớn nhờ sự thuận lợi về môi trường nước. Ngay từ tháng đầu năm 2023, nước mặn trên các nhánh sông đã xuất hiện với độ mặn thích hợp. Nông dân tranh thủ thả cua giống nuôi sớm để kịp thời gian nuôi 2 - 3 vụ/năm hoặc thả nuôi thêm 1 vụ tôm thẻ chân trắng để thu hoạch tôm vào cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân vùng ven biển không có đủ diện tích đất bố trí qui trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang chuyên nuôi cua biển để tránh rủi ro, vừa đảm bảo về nguồn thu nhập.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân hạn chế diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, chuyển sang nuôi con khác; trong đó, có cua biển là con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Cua biển dễ nuôi, chi phí thấp, rất ít gặp rủi ro về dịch bệnh và nông dân chủ động được việc thu hoạch khi thị trường biến động về giá cả, nhu cầu cung ứng. Cụ thể, người nuôi dễ dàng neo ao chờ giá và thu hoạch tỉa thưa, chọn cua lớn để bán giá cao đảm bảo được lợi nhuận.

Hiện nay, nghề nuôi cua biển ở tỉnh Trà Vinh có được thuận lợi nhờ UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện đăng ký bảo hộ quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận "cua Trà Vinh" cho sản phẩm cua biển của tỉnh. Mục tiêu để sản phẩm cua biển được bảo hộ và được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho sản phẩm cua biển của tỉnh; nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi và kinh doanh sản phẩm cua biển của tỉnh.

Phúc Sơn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-cua-bien-o-tra-vinh-tang-gan-gap-doi-20230513102743241.htm