Giả danh công an lừa chuyển tiền - S.O.S!

Giữa tháng 9/2018, Bộ Công an ra thông báo tìm bị hại vụ giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo. Dù thủ đoạn đã cũ nhưng đánh đúng 'tâm lý' sợ rơi vào vòng lao lý của người dân nên thủ phạm đã đạt được mục đích.

Trong thông báo của Bộ Công an nói rõ: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án hình sự Bùi Quang Hải và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh công an xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương. Thủ đoạn của các đối tượng là gọi vào số điện thoại cố định của các bị hại, tự giới thiệu là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý đơn của Viettel tố cáo họ nợ cước điện thoại, đồng thời cho biết họ có liên quan đến đường dây tội phạm buôn bán ma túy, rửa tiền… xuyên quốc gia, số tiền trong tài khoản ngân hàng của họ là tiền liên quan đến tội phạm.

Một nạn nhân trình bày với cơ quan công an về việc mình bị lừa đảo qua điện thoại

Sau khi đe dọa, chúng yêu cầu các bị hại cung cấp số điện thoại di động, thông tin cá nhân để xác minh. Khi các bị hại thanh minh không liên quan thì chúng cho biết đã có lệnh bắt khẩn cấp, người thân trong gia đình đang bị bọn tội phạm theo dõi, uy hiếp đến tính mạng.

Để chứng minh sự trong sạch thì các bị hại phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để kiểm tra trong thời gian 24 giờ, nếu xác định số tiền đó không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển trả lại cho bị hại. Các bị hại tin và chuyển tiền theo yêu cầu của chúng và bị chiếm đoạt tổng cộng hơn 10 tỉ đồng.

Một số nạn nhân đã đến Công an Hà Nội trình báo, trong đó có bà N, 71 tuổi, ở Hà Nội, bị lừa đảo tới 300 triệu đồng. Bà N kể: Một ngày đầu tháng 9, bà nhận được một cuộc điện thoại có số rất đẹp. Đầu dây bên kia cất lên là giọng nói mà bà đoán còn rất trẻ và ấn tượng bởi âm sắc đậm chất Nam Bộ. Cô gái thông báo bà đang nợ hơn 1 triệu đồng tiền cước điện thoại, chưa thanh toán. Giật mình bởi từ trước đến nay toàn con trai bà thanh toán chứ bà có biết gì đâu việc này. Bà thắc mắc thì cô gái nói “Bà cứ gọi đến số 069xxxxx… thì rõ”.

Làm theo hướng dẫn của cô gái, bà gọi vào số điện thoại đó thì được một người đàn ông xưng là cảnh sát ở TP Hồ Chí Minh cho hay, chủ số điện thoại mà bà đang dùng liên quan đến một đường dây buôn ma túy. Hoảng quá không biết vì sao lại như vậy và cũng chưa biết giải thích như thế nào thì người đàn ông đó tiếp tục “khai thác” bà có bao nhiêu tài khoản ngân hàng, có bao nhiêu tiền… Với tâm lý nếu liên quan đến pháp luật là phải thành khẩn, hợp tác, bà khai tuốt tuồn tuột tất cả mọi thông tin mà người đàn ông kia muốn, đồng thời làm theo hướng dẫn mở một tài khoản mới mang tên bà với đầy đủ ID, mật khẩu như ông ta yêu cầu. Sau đó chuyển cho ông ta toàn bộ thông tin.

Câu chuyện càng trở nên nghiêm trọng và khiến bà tin là thật hơn khi người đàn ông ấy trong quá trình nói chuyện với bà còn quay sang hỏi “cấp trên” ngồi bên cạnh rằng, trường hợp như bà thì xử lý như thế nào. Giọng của người có vẻ như là của “cấp trên” ấy còn vọng vào máy điện thoại: “Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp và chỉ trong một vài ngày tới sẽ thực hiện. Công an sẽ khám xét nhà ở…”.

Để “nắn gân”, “bắt vía” bà, người đàn ông xưng là cảnh sát ở TP Hồ Chí Minh còn nói rằng, nếu muốn được hưởng khoan hồng thì bà phải gửi tất cả số tiền tiết kiệm vào tài khoản mới lập một cách nhanh nhất để cơ quan công an xác minh. Tuy nhiên, khi thực hiện, bà không được để ai biết, nếu không sẽ “lộ chuyên án”, không bắt được thủ phạm.

Bà N làm theo đúng lời dặn ấy. Chỉ vài tiếng sau khi chuyển tiền, số tiền trong tài khoản mới của bà đã bị chuyển sang một tài khoản khác rồi “không cánh mà bay”. Lúc đó bà mới giật mình, mới rà soát lại toàn bộ câu chuyện và tá hỏa lên khi biết mình bị lừa.

Tương tự, ông H, sinh năm 1944, ở Hà Nội, cũng nhận được một cuộc gọi của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh thông báo về việc nhà ông nợ tiền cước viễn thông. Sau khi trao đổi cũng với nội dung và thủ đoạn tương tự như với bà N, thậm chí còn “đáng sợ” hơn vì ông H còn nhận được cả file ảnh chụp “Lệnh bắt khẩn cấp của Tòa án Nhân dân Tối cao”. Ông H vội vàng chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm là mấy trăm triệu đồng cùng tiền bán vàng, USD vào một tài khoản mà “Cơ quan công an yêu cầu”.

Ông H trình bày: Lúc đó ông cũng không nghi ngờ gì vì chỉ muốn chứng minh mình vô tội. Nhưng làm xong việc chuyển tiền rồi, phân tích lại sự việc mới thấy vô lý và biết mình bị lừa.

Còn rất nhiều người khác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành phố khác bị lừa đảo như vậy: Bà T ở Thanh Xuân, Hà Nội mất 1 tỉ đồng; bà D, 75 tuổi, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội bị lừa 6,1 tỉ đồng; bà M, 72 tuổi, trú tại Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội bị lừa 260 triệu đồng…

Theo đại diện của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội, nhóm tội phạm lừa đảo người dân qua điện thoại với “kịch bản” nợ cước phí, liên quan đến buôn bán ma túy… cho thấy chúng rất “lão luyện” về tâm lý tội phạm, từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi hết tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với… cơ quan điều tra.

Bộ Công an khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện đến. Bởi theo nguyên tắc, không bao giờ công an nói riêng, cơ quan thi hành pháp luật nói chung có cách làm việc như vậy, nhất là trong điều tra vụ án. Khi được yêu cầu tiếp chuyện hay làm gì, nên dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).

Bên cạnh đó, tuyệt đối không được cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan thi hành pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo. Vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội.

Mặt khác, cơ quan thi hành pháp luật khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng gọi điện thoại.

Nhóm tội phạm lừa đảo người dân qua điện thoại với “kịch bản” nợ cước phí, liên quan đến buôn bán ma túy… cho thấy chúng rất “lão luyện” về tâm lý tội phạm, từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến bị hại rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu.

Nguyễn Anh - Tiến Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gia-danh-cong-an-lua-chuyen-tien-sos-516785.html