Giả danh Cục Quản lý Giao thông đường bộ gọi điện lừa đảo sinh viên

Thời gian vừa qua, nhiều sinh viên sinh sống và học tập trên địa bàn TP. HCM bị một đầu số lạ gọi điện thông báo có biên bản 'phạt nguội' song lại yêu cầu cung cấp tên, tuổi, số tài khoản ngân hàng.

Gọi điện nhiều lần nhằm lừa sinh viên

Cuối tháng Bảy, bạn P. V. V. (quê Nam Định) - hiện đang là sinh viên trường ĐH Thủy lợi (Phân hiệu miền Nam) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một số máy lạ. Khi nhấc máy lên người từ đầu dây bên kia cho biết mình là người của "Cục Quản lý Giao thông đường bộ" gọi điện thông báo về việc có một 'giấy phạt nguội' của Cảnh sát Giao thông (CSGT) gửi đến.

Chia sẻ với phóng viên, sinh viên V. cho biết: “Mình thật sự rất bất ngờ khi được thông báo mình có dính 'phạt nguội' từ CSGT, bởi vì kể từ khi vào đại học mình đã nghe theo gia ý gia đình chuyển sang đi học bằng xe buýt hoặc xe công nghệ”.

Đối tượng yêu cầu sinh viên V. bấm phím số 9 để thực hiện các bước tiếp theo. Sau khi nhấn bấm phím số 9, V. cho biết, người đầu dây bên kia nói chuyện với mình là một giọng nữ và thông tin về việc V. có biên lai 'phạt nguội' của CSGT chưa thanh toán nên yêu cầu thanh toán gấp, không sẽ bị truy cứu.

Ngay sau đó, "tổng đài viên" đề nghị V. cung cấp tên tuổi, số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng để tra cứu. V. cho biết, trong quá trình trao đổi với số điện thoại này, V. đã dùng laptop nhắn tin cho một người bạn thân để chia sẻ câu chuyện trên thì ngỡ ngàng biết được số máy trên chính là tổng đài lừa đảo nên tắt máy luôn.

Đối tượng lừa đảo giả danh gọi cho sinh viên P. V. V. (quê Nam Định).

Đối tượng lừa đảo giả danh gọi cho sinh viên P. V. V. (quê Nam Định).

Tuy nhiên, sáng ngày 5/8, sinh viên V, tiếp tục bị một số máy lạ khác gọi đến, với nội dung tương tự. V. cho biết, thông qua giọng nói, V. biết được người ở đầu dây bên kia lại chính là người phụ nữ hôm trước gọi mình. "Khi mình trả lời toàn đi xe buýt, không biết đi xe máy thì làm sao có 'phạt nguội' thì đầu dây bên kia có lời nói hăm dọa”.

Trước đó, vào lúc 17h chiều ngày 4/7, nữ sinh viên tên T. T. U. P. (trọ tại quận Bình Thạnh) đang trong giờ giải lao tại trường thì bị điện thoại có đầu số +134497 thông báo mình có 'giấy phạt nguội' với lỗi vi phạm chạy vượt đèn tín hiệu giao thông tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. “Mình nhấc máy lên, người bên kia tự xưng mình là tổng đài viên của "Cục Quản lý Giao thông đường bộ", thông báo có biên lai cần nộp phạt và yêu cầu kết nối với Cục Cảnh sát Giao thông để cung cấp thông tin lấy số biên bản kiểm tra. Sau gần 20 phút trao đổi, mình cương quyết từ chối nhận lỗi với tổng đài viên, vì phát hiện ra nhiều dấu hiệu bất thường trong cách ăn nói của người này. Sau đó, tổng đài viên đã dập máy nhưng cũng không quên văng tục”.

Sinh viên cần cẩn trọng với các cuộc gọi từ đầu số lạ và các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Tư vấn của Luật sư giúp sinh viên thêm cảnh giác

Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+) cho biết, hành vi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng giả danh Cục Quản lý Giao thông đường bộ nêu trên có thể đã phạm vào một trong hai tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt lên đến chung thân; hoặc phạm tội thu thập, tàng trữ, trao đổi mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt lên đến 7 năm tù.

Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+).

Về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính bằng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hay còn gọi là “phạt nguội” thì Chính phủ quy định rất rõ trong Nghị định 135/2021/ND-CP, theo đó, cơ quan xử phạt phải tiến hành các trình tự thông báo người vi phạm đến trụ sở công an để làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó mới quyết định xử phạt hành chính, người dân chỉ nộp phạt sau khi có quyết định xử phạt hành chính.

Cũng theo Luật sư Duy Anh, Nghị định 135 cũng quy định hình thức thông báo đến cơ quan công an để làm việc có thể gửi bằng phương tiện điện tử, được hiểu là tin nhắn hoặc email, tuy nhiên, nội dung thông báo chỉ là yêu cầu đến cơ quan công an để làm việc liên quan đến hành vi ghi nhận bởi các thiết bị nghiệp vụ. Do đó, nếu nhận được thông báo vượt quá nội dung về lịch hẹn làm việc với công an thì sinh viên có quyền từ chối cung cấp thông tin để bảo vệ mình, và đó có thể là hành vi xấu của nhóm lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản.

Hồng Nguyễn - Hà Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gia-danh-cuc-quan-ly-giao-thong-duong-bo-goi-dien-lua-dao-sinh-vien-post1459957.tpo