Giả danh quân nhân là phạm pháp

Thời gian qua, nhiều đối tượng giả danh sỹ quan quân đội để phục vụ mục đích cá nhân, thậm chí để lừa đảo người khác. Tất cả những hành vi giả danh quân nhân đều là phạm pháp.

Chiều 9/10, Phòng Bảo vệ An ninh, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội bắt giữ đối tượng Lê Quốc Tuấn (sinh năm 1972; quê quán Minh Phú, Đoan Hùng, Phú Thọ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân bằng thủ đoạn giả danh bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai.

Trước đó, tháng 7/2019, chị L.T.Q (quê ở Hải Phòng) có đơn gửi Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tố cáo quân nhân Lê Quốc Tuấn, công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định không có người như trong đơn tố cáo.

Đối tượng Lê Quốc Tuấn

Trước hành vi mạo danh quân nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng quân đội; các đơn vị chức năng đã khẩn trương xác minh, điều tra bắt giữ đối tượng. Thời điểm bị bắt, Tuấn đang làm bảo vệ tại một công ty trên địa bàn huyện Mê Linh.

Qua đấu tranh khai thác, Tuấn khai nhận đã mua quân phục bộ đội biên phòng, 1 bộ cầu vai quân hàm thiếu tá từ năm 2018 và xin được biển hiệu quân đội trong quá trình làm việc tại Tổ sơn của Nhà máy cơ khí Z117 - Bộ Quốc phòng.

Sau đó, Tuấn tự xưng là cán bộ quân đội để xin việc cho một số người thân vào Nhà máy cơ khí Z117 - Bộ Quốc Phòng làm công nhân. Đồng thời, Tuấn còn lợi dụng danh nghĩa sỹ quan quân đội để làm quen với chị Q.

Tháng 7/2018, Tuấn nói với chị Q là bị thương trong quá trình đi bắt tội phạm ở biên giới nên cần tiền chữa bệnh. Do tin tưởng Tuấn, chị Q đã cho vay nhiều lần, với tổng số tiền 58,5 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền, Tuấn cắt đứt liên lạc.

Bộ cầu vai và biển hiệu quân đội Lê Quốc Tuấn sử dụng

Trước đó, tháng 4/2019, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã phát hiện 1 người phụ nữ đã giả mạo sĩ quan quân đội. Đối tượng là Đào Thị Uyên (sinh năm 1974, quê ở thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là nhân viên của công ty Luật Tất Thành.

Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, đối tượng Uyên đã mang mặc quân phục gắn quân hàm đại tá để chụp ảnh, đăng lên các trang mạng xã hội nhằm tăng thêm uy tín cho bản thân. Ngoài ra, vì đối tượng này còn là nhân viên của công ty luật nên cố tình ăn mặc như thế để thêm phần tự tin khi gặp đối tác…

Dù với mục đích gì nhưng đã giả danh quân nhân là sai quy định của pháp luật. Vì thế qua những sự việc trên, người dân cũng nên cảnh giác có thể các đối tượng giả danh quân nhân, công an để lừa đảo, lợi dụng uy tín.

Người dân cũng không nên giả danh quân nhân vì đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Không nên vì một phút nông nổi mà cả tương lai bị ảnh hưởng.

Theo Điều 339 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017: Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gia-danh-quan-nhan-la-pham-phap-97657.html