Giá dầu đang trên đà chốt năm leo dốc mạnh nhất kể từ 2016

Giá 'vàng đen' sụt nhẹ trong phiên ngày 31/12, song sắp thiết lập năm giao dịch khởi sắc nhất tính từ năm 2016.

Mặc dù giá dầu đi xuống trong phiên này, thị trường dầu đang trên đà ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2016, chủ yếu nhờ được hỗ trợ từ việc cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt và tâm lý lạc quan đối với đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 3 hạ 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống 66,56 thùng/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 11 xu Mỹ, khoảng 0,2 %, giao dịch ở mức 61,57 USD/thùng.

 Giá dầu sắp chứng kiến năm tăng mạnh nhất kể từ 2016.

Giá dầu sắp chứng kiến năm tăng mạnh nhất kể từ 2016.

Tuy nhiên, hiện cả 2 mặt hàng dầu này đều dao động ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2019 sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ ở Ả Rập Saudi khiến giá dầu nhảy vọt.

Trong tháng này, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 11,8% và 10,4%, điều này giúp đưa dầu Brent leo dốc khoảng 24% và WTI tăng khoảng 36% trong năm nay.

Cả dầu Brent và WTI đang trên đà đạt mức tăng giá hàng năm lớn nhất trong 3 năm, được hỗ trợ từ bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cùng với việc cắt giảm sản xuất dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga.

Giá dầu leo dốc mạnh trong tháng 12 sau khi Washington và Bắc Kinh tuyên bố đạt được đồng thuận và thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, vốn có thể giúp xoa dịu nỗi lo về triển vọng kinh tế toàn cầu và được cho là khiến chứng khoán và các tài sản rủi ro khác nhảy vọt.

OPEC cùng với các đồng minh hồi đầu tháng này đã đồng ý cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trên mức cắt giảm hiện tại, bắt đầu từ tháng 1/2020.

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng hôm 30/12 nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ được ký kết vào tuần tới.

“Giá dầu sụt nhẹ theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa vào cuối năm mặc dù căng thẳng ở Trung Đông leo thang và lượng dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm” – ông Stephen Innes, chiến lược gia trưởng thị trường châu Á tại AxiTrader nhận định.

Các chuyên gia phân tích cho biết giới đầu tư đang theo dõi diễn biến ở Iraq sau khi có thông tin cho hay những người biểu tình hôm 28/12 đã buộc mỏ dầu Nasiriyah của nước này phải tạm thời đóng cửa.

Căng thẳng ở Trung Đông lại leo thang sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích hôm 29/12 chống lại nhóm dân quân Kataib Hezbollah ở Syria, trong khi Iraq phải tạm đóng cửa mỏ dầu phía Nam Nassiriya do biểu tình.

Trước đó, hôm 29/12, Mỹ mở đợt không kích nhằm vào các tay súng Kata’ib Hezbollah tại Iraq và Syria, nhằm trả đũa cho đợt tấn công của nhóm này tại Iraq làm 1 công dân Mỹ thiệt mạng. Vụ việc không chỉ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa giữa Mỹ và Iran mà còn khiến Iraq giận dữ, coi là cú đâm sau lưng.

Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết, việc tạm dừng hoạt động tại mỏ dầu Nassiriya sẽ không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu dầu của nước này bởi Iraq sẽ lấy thêm dầu từ các mỏ dầu tại Basra. Trong khi đó, Công ty dầu mỏ nhà nước Libya NOC cho biết đang xem xét đóng cửa cảng phía Tây nước này là Zawiya và sơ tán nhân viên của cơ sở lọc dầu tại đây do các cuộc xung đột ở khu vực này.

Về nguồn cung từ các nước ngoài OPEC, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm khoảng 3,2 triệu thùng trong tuần tính đến 27/12, hướng tới đợt giảm hàng tuần thứ ba liên tiếp, cuộc thăm dò của Reuters cho biết hôm 30/12.

Theo chuyên gia Innes, các nhà giao dịch dầu mỏ cũng sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu sản xuất dầu thô của Mỹ trong tháng 10, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 31/12.

Mỹ đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới lần đầu tiên vào năm 2020, với sản lượng dầu dự kiến sẽ tăng 930.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 13,18 triệu thùng/ngày vào năm tới, Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết hồi đầu tháng này./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dau-dang-tren-da-chot-nam-leo-doc-manh-nhat-ke-tu-2016-361445.html