Giá dầu giảm có lợi cho kinh tế toàn cầu

- Thông thường, khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu năng lượng sẽ tăng, đặc biệt là nhu cầu đối với dầu mỏ. Tuy nhiên, trong những ngày qua giá dầu thô trên thế giới liên tiếp sụt giảm xuống mức 70 USD/thùng. Đây có thể là một chỉ báo quan trọng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu đang có vấn đề. Nhưng rõ ràng, nhìn từ góc độ chi phí tăng trưởng thì giá dầu giảm có lợi cho nền kinh tế.

Các chuyên gia trong ngành dầu mỏ nhận định sự suy giảm giá dầu do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu, giữa lúc thế giới đang phải vật lộn để hồi phục từ hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng Trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu (CGES) cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) đang cân nhắc hành động trước tình hình giá dầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng từ mức hơn 80 USD hồi tháng trước. Nếu những động thái của OPEC khiến giá dầu tăng mạnh trở lại trong khi nhu cầu thực tế lại không tăng thì sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ vấp phải một rào cản lớn. Theo CGES, trong bối cảnh chưa thể đánh giá hết tác động của cuộc khủng hoảng đồng euro hiện nay đối với đà phục hồi kinh tế thì tâm lý hoảng sợ đã xuất hiện trên các thị trường. OPEC, vốn luôn phản ứng nhanh nhạy hơn với giá dầu giảm so với giá tăng, đang cân nhắc về sự cần thiết để các nước thành viên hành động. Tháng trước, tổ chức này đã tự “an ủi” mình rằng giá dầu khoảng 80 USD/thùng là hợp lý và có thể chịu được. Quan điểm này đã được các công ty dầu lửa quốc tế cũng ủng hộ. Nền kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ dường như đang rơi vào trạng thái trì trệ. Điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về một cuộc suy thoái ngắn, đột ngột “hình chữ V”. Một lần nữa viễn cảnh suy thoái kép của nền kinh tế lại hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo CGES, mặc dù châu Á đang là đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu với tốc độ “siêu tốc” của Trung Quốc, nhưng khu vực này chưa chắc đã trụ vững một khi các thị trường xuất khẩu chính là châu Âu và Bắc Mỹ không thể phục hồi. Con số thất nghiệp gây thất vọng từ Mỹ và những lo ngại về mất việc làm trong khu vực công ở châu Âu đã thúc đẩy tỷ lệ tiết kiệm và tác động tới doanh số bán lẻ. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc với nhu cầu hàng hóa, trong đó có dầu lửa, đang được thúc đẩy thông qua kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ. Các số liệu của CGES cho thấy Trung Quốc nhập khẩu tới 5 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 4/2010. Một khi giá dầu giảm, nhu cầu này của Trung Quốc sẽ gặp được nguồn hàng giá rẻ và có điều kiện thuận lợi để thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế trong nước. Nhiều chuyên gia từng nhận định, trong bối cảnh hiện nay thì nhu cầu nội địa mạnh mẽ của Trung Quốc và khu vực châu Á mới chính là động lực thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giá dầu giảm lại có lợi cho kinh tế thế giới. Bảo Minh (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/2043/201005/Gia-dau-giam-co-loi-cho-kinh-te-toan-cau-1755180/