Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021

Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 khi giới đầu tư lo ngại những vấn đề phát sinh ở Trung Quốc làm giảm nhu cầu với loại nhiên liệu này.

Hôm thứ Hai (28/11), giá dầu WTI giảm hơn 3% xuống dưới 74 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giao dịch quanh mức 81 USD/thùng.

Tình trạng bất ổn này xảy ra sau sự sụt giảm mạnh trên thị trường dầu mỏ khi nguy cơ suy thoái ở Trung Quốc hiện ra và Liên minh châu Âu trì hoãn công bố mức trần giá đối với dầu thô của Nga, điều này dường như sẽ có tác động tối thiểu đến thương mại.

Nhiều khả năng sẽ có nhiều biến động đối với giá dầu trong những ngày tới. OPEC+ sẽ họp vào Chủ nhật (4/12) để quyết định mức sản lượng tiếp theo, trong khi các quốc gia EU tiếp tục đàm phán kế hoạch về mức trần giá đối với dầu của Nga.

Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới PVM Oil Associates Ltd. cho biết: “Tâm lý hiện tại đang không mấy lạc quan. Nó không chỉ được xác nhận bởi sự sụt giảm hàng tuần của giá hợp đồng tương lai mà còn bởi tình trạng bù hoãn mua (contango) đã tái xuất hiện ở cả giá dầu WTI và dầu Brent vào tuần trước”.

Được biết, contango là tình huống trong đó giá tương lai (hay giá kỳ hạn) của một hàng hóa cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai cho hàng hóa đó. Trong thị trường ở tình trạng bù hoãn mua, các nhà phòng hộ (các nhà sản xuất/các nhà sử dụng hàng hóa) hay các nhà đầu cơ tự nguyện trả nhiều hơn cho hàng hóa ở thời điểm nhất định nào đó trong tương lai so với giá dự kiến thực tế của hàng hóa. Điều này có thể vì mong muốn của người ta trong việc trả một khoản phụ phí để có được hàng hóa đó trong tương lai thay vì trả các chi phí lưu giữ và tích trữ của việc mua ngay hàng hóa đó ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, dữ liệu tắc nghẽn từ Baidu cho thấy lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn của Trung Quốc vào sáng thứ Hai (28/12) đã giảm mạnh. Tại thủ đô Bắc Kinh, lưu lượng giao thông đã giảm 45% so với một năm trước, trong khi tỷ lệ này ở Quảng Châu thấp hơn 35%.

Việc quay trở lại các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn sẽ tiếp tục siết chặt nhu cầu đối với một số mặt hàng chủ chốt. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất mọi thứ từ dầu mỏ đến quặng sắt và đậu nành, và hoạt động mua hàng đã chậm lại trong năm nay do nền kinh tế sa sút.

Theo công ty phân tích và dữ liệu Kpler, nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể đạt trung bình 15,11 triệu thùng/ngày trong quý bốn, giảm so với 15,82 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm trước.

“Triển vọng nhu cầu sẽ xấu đi trước khi trở nên tốt hơn”, Fenglei Shi, giám đốc trung và hạ nguồn thị trường dầu mỏ Trung Quốc Đại lục tại S&P Global Commodity Insights cho biết.

Thêm vào triển vọng nguồn cung cao hơn, Mỹ đã cấp cho Tập đoàn Chevron giấy phép tiếp tục sản xuất dầu ở Venezuela sau khi lệnh trừng phạt đã tạm dừng tất cả các hoạt động khoan gần ba năm trước. Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi các nhà hòa giải Na Uy tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán chính trị giữa Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập vào cuối tuần này.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-dau-giam-xuong-muc-thap-nhat-ke-tu-nam-2021-post310880.html