Giá dầu lại lao dốc mạnh

Thị trường dầu thô quốc tế khởi đầu tuần này không mấy khởi sắc, khi tiếp tục lao dốc mạnh. Trong ngày hôm qua, giá dầu WTI chìm sâu gần 4%, rớt xuống tận 49,65 USD/ thùng, trong khi giá dầu Brent, được sử dụng để định giá dầu quốc tế, cũng giảm mạnh 3% xuống 58,67 USD/ thùng.

Đáng lưu ý là trong sáng nay đà giảm mạnh vẫn chưa dừng lại, khi các hợ đồng kỳ hạn dầu WTI tiếp tục rớt thêm gần 2%, có lúc mất mốc 49 USD/ thùng xuống 48,8 USD/ thùng, trong khi hợp đồng dầu Brent trên sàn Luân Đôn cũng đang giảm gần 1%, đánh dấu phiên thứ 3 giảm liên tiếp.

Theo dữ liệu mới nhất cho thấy nguồn cung dầu tại trung tâm dự trữ Cushing (bang Oklahoma) đã tăng thêm hơn 1 triệu thùng trong giai đoạn từ ngày 11 đến 14/12/2018, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó. Việc nguồn cung ngày càng tăng mạnh so với nhu cầu suy yếu đã gây áp lực lên thị trường, khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng và tạm thoái khỏi các vị thế nắm giữ các hợp đồng dầu tương lai.

Trước đó, cả hai hợp đồng dầu tương lai chuẩn nói trên đã rớt mạnh 30% trong giai đoạn tháng 10-11/2018, khi tình trạng dư cung làm gia tăng dự trữ dầu trên toàn cầu, nhưng sau đó đã ổn định trở lại trong 3 tuần vừa qua, dao động trong phạm vi khá hẹp khi các nhà sản xuất dầu cam kết cắt giảm sản lượng. Dù vậy, sự khởi đầu bi quan trong 2 ngày đầu tuần này đang gây ra những lo lắng mới.

Trong cuộc họp gần đây tại thủ đô Viên nước Áo, OPEC và các đồng minh đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2019 và kế hoạch này sẽ được xem xét lại tại cuộc họp tháng 4/2018. Dù vậy, hiện tại các nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất khác, như Nga, liệu có đủ để tái cân bằng thị trường.

Trong khi đó, nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh, bất chấp đà lao dốc của giá dầu thời gian qua. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết vào hôm qua, sản lượng dầu từ bảy lưu vực đá phiến lớn của nước này dự kiến sẽ tăng lên 8,03 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào cuối năm nay.

Thị phần dầu đá phiến của Mỹ đã gia tăng và ngày càng lấn át các nhà sản xuất tại Trung Đông, khiến nguồn thu ngân sách của những nước này càng thêm khó khăn. Quatar gần đây đã tuyên bố sẽ rút khỏi OPEC kể từ đầu năm 2019. Các nhà phân tích cho rằng nếu giá dầu tiếp tục giảm, các nhà sản xuất đá phiến không có lãi cuối cùng sẽ ngừng hoạt động và cắt giảm nguồn cung, nhưng điều đó sẽ mất một thời gian.

Do đó, việc kiềm chế nguồn cung đã được OPEC và các đồng minh do Nga đứng đầu có thể không mang lại kết quả mong muốn, do sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng và khi Iran tiếp tục bơm thêm dầu. Về phía Nga, sản lượng dầu của nước này đã đạt mức kỷ lục 11,42 triệu thùng/ngày chỉ trong nửa đầu tháng 12/2018.

Ở phía cầu, trước những bất ổn kinh tế đang dần hiện ra và nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thì nhu cầu dầu có thể sẽ suy giảm nhiều hơn. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 đánh dấu mức tăng chậm nhất trong gần ba năm qua, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới càng mất đà hơn nữa.

Đặc biệt, với việc Trung Quốc đang cố gắng chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng mềm, cải cách nền kinh tế, tập trung phát triển các ngành dịch vụ và giảm phụ thuộc vào hoạt động công nghiệp, thì nhu cầu dầu từ nước này có thể càng bị ảnh hưởng trong tương lai.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/gia-dau-lai-lao-doc-manh-20696.html