Giá dầu tăng mạnh sau khi Iraq giành lại khu vực cuối cùng tại tỉnh Kirkuk

Giá 'vàng đen' tiếp tục đi lên trong phiên ngày 20/10 sau khi Iraq giành lại quyền kiểm soát khu vực cuối cùng của tỉnh Kirkuk ở miền Bắc cùng với nhiều dấu hiệu cho thấy cung - cầu trên thị trường dầu thế giới được thắt chặt hơn.

Ngày 20/10, các lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát khu vực cuối cùng của tỉnh Kirkuk, miền Bắc Iraq, vốn nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd tại Iraq. Khu vực này chỉ cách thủ phủ Arbil của khu tự trị người Kurd 50km.

Cung - cầu trên thị trường dầu thế giới đang được thắt chặt.

Trước đó, hôm 18/10, quân đội Iraq thông báo đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các khu vực tranh chấp giữa chính quyền trung ương Baghdad với khu tự trị người Kurd sau khi mở đường tiến vào tỉnh Kirkuk nhiều giàu mỏ. Xuất khẩu dầu mỏ của khu vực người Kurd, Iraq, giảm hơn một nửa trong ngày 18/10. Xuất khẩu dầu của người Kurd từ cảng Ceyhan, Địa Trung Hải đã giảm xuống chỉ 225.000 thùng/ngày trong ngày 18/10 so với dòng chảy bình thường 600.000 thùng/ngày.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 57,45 USD/thùng, tăng 22 xu Mỹ hay 0,4% so với đóng cửa phiên trước. Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn tăng 25 xu Mỹ, tương đương 0,5%, giao dịch ở mức 51,54 USD/thùng.

Giá dầu phục hồi sau khi giảm trong phiên trước bởi các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra nhằm chốt lời sau 4 ngày tăng liên tiếp, và tâm lý lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn do xung đột giữa chính phủ Iraq với quân đội người Kurd.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng giá dầu nhận được lực đẩy từ một số chỉ số thị trường thế giới đang được thắt chặt.

Lượng tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 15% từ mức kỷ lục tháng 3, xuống 456,5 triệu thùng, thấp hơn mức ghi nhận năm ngoái. Sự sụt giảm này một phần là do xuất khẩu ngày càng tăng bởi sự chênh lệch giá giữa dầu WTI và dầu Brent, điều đó thu hút các nhà sản xuất Mỹ xuất khẩu dầu của họ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây thông báo lượng dầu thô dự trữ trên thế giới đang đi xuống do nhu cầu tại Mỹ và châu Âu tăng, trong khi nguồn cung của các thành viên trong và ngoài Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lại giảm.

Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam al Marzouq, tại cuộc họp tháng 11 sắp tới, OPEC có thể xem xét khả năng liệu có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 3/2018 hay không.

Các thành viên OPEC được cho là đang tỏ ra đồng tình với lựa chọn gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng, một động thái sẽ góp phần hỗ trợ giá dầu.

OPEC có thể chưa quyết định lựa chọn phương án trên tại cuộc họp ngày 30/11 tới nếu nhu cầu dầu thô và các sản phẩm dầu khí vẫn ở mức cao. OPEC và IEA gần đây cho biết rằng nhu cầu dầu thô đang ngày càng. OPEC cho biết nhiều khả năng họ sẽ không lựa chọn cắt giảm sản lượng mạnh hơn mức hiện tại.

OPEC đang nỗ lực giảm bớt dự trữ dầu thô toàn cầu xuống mức trung bình 5 năm. Tuần trước, Tổ chức này cho biết dự trữ dầu từ khối Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một nhóm bao gồm phần lớn là các quốc gia giàu có - ở mức gần 3 tỷ thùng dầu trong tháng 8/2017, cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 171 triệu thùng.

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/iraq-gianh-lai-khu-vuc-cuoi-cung-tai-tinh-kirkuk-300895.html