Giá dầu thế giới trồi sụt mạnh

Lực mua và bán thay nhau chi phối thị trường dầu toàn cầu. Các nhà giao dịch năng lượng đang chuẩn bị cho một loạt sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần tới.

 Báo cáo của OPEC và cuộc họp chính sách của Fed trong tuần tới sẽ tác động tới thị trường dầu. Ảnh: Reuters.

Báo cáo của OPEC và cuộc họp chính sách của Fed trong tuần tới sẽ tác động tới thị trường dầu. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 29/10, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu rơi một mạch từ gần 96,75 USD/thùng xuống hơn 95 USD/thùng, rồi quay đầu tăng lên hơn 96 USD/thùng.

So với một tháng trước đó, giá dầu Brent đã tăng 10,47%. Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ sụt giảm 1,32% hôm 29/10, nhưng vẫn tăng 9,3% sau một tháng.

"Thị trường dầu thô biến động mạnh sau khi Trung Quốc tăng cường những biện pháp chống dịch, các công ty dầu mỏ Mỹ cam kết khá khiêm tốn trong việc thúc đẩy sản lượng, và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn u ám", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.

Giá dầu WTI và dầu Brent biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Những thông tin trái chiều

Hiện Quảng Châu - thành phố lớn thứ 4 Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông - đã phong tỏa nhiều tuyến phố, buộc người dân ở trong nhà. Chính quyền thành phố Vũ Hán cũng yêu cầu hàng trăm nghìn người dân trong một quận không ra đường đến ngày 30/10.

Reuters đưa tin các thành phố lớn trên khắp Trung Quốc như Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây) và Tây An (tỉnh Thiểm Tây) cũng áp dụng những biện pháp hạn chế mới trong tuần này.

Ông Moya cho rằng vào tuần tới, các nhà giao dịch năng lượng sẽ có thêm thông tin về những hoạt động kinh tế của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - trong bối cảnh các lệnh phong tỏa chống dịch.

Cùng với đó, OPEC (Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa toàn cầu) sẽ công bố Triển vọng Dầu Thế giới vào ngày 31/10.

"Dầu thô WTI cũng bị đè nặng bởi sức mạnh của đồng USD sau khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên", ông Moya bình luận.

"Thị trường hàng hóa sẽ biến động theo quyết định chính sách của FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - trong cuộc họp sắp tới. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ cũng được công bố vào tuần tới", vị chuyên gia nói thêm.

Biến động của đồng USD

Việc Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát sẽ đẩy đồng bạc xanh mạnh lên và đè nặng lên các thị trường hàng hóa. Nhưng ở chiều ngược lại, ông Moya cho rằng nếu đồng USD yếu đi, giá dầu có thể được hỗ trợ. Trong đó, dầu WTI chuẩn Mỹ có khả năng duy trì trên ngưỡng 85 USD/thùng.

Giá dầu thường biến động ngược chiều USD. Khi đồng USD mạnh lên, một thùng dầu sẽ được mua bằng ít USD hơn và ngược lại. Trong khi đó, các khàng hàng ở những quốc gia khác phải trả nhiều tiền hơn để mua dầu.

Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính - hôm 29/10 nhích nhẹ lên 110,67 điểm. Hôm 27/10, chỉ số này đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng.

"Sự sụt giảm trong lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đã khiến đồng USD giảm mạnh, trong khi những tiền tệ khác hưởng lợi lớn", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (có trụ sở ở London) - bình luận với Zing.

Các dấu hiệu từ nền kinh tế Mỹ cho thấy việc Fed mạnh tay tăng lãi suất đang phát huy tác dụng. Điều này có thể tạo sức ép buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải giảm tốc độ thắt chặt chính sách.

Chỉ số USD và giá dầu Brent biến động ngược chiều trong vòng 6 tháng qua. Ảnh: Trading Economics.

Nhưng theo một số nhà đầu tư, đồng bạc xanh vẫn được hỗ trợ bởi quan điểm thắt chặt của Fed, lo ngại về suy thoái toàn cầu và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng ở châu Âu.

"Ở thời điểm hiện tại, rất khó để tìm ra nguyên nhân khiến đồng USD giảm kể từ giờ", ông Iain Stealey, Giám đốc đầu tư quốc tế về thu nhập cố định tại JPMorgan, nhận định.

"Fed chưa kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Còn nền kinh tế Mỹ dường như vẫn chống chịu tốt hơn những nền kinh tế khác", ông lập luận.

Các quan chức Fed cũng đang chia rẽ về kế hoạch tăng lãi suất. Ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia - cho rằng cơ quan hoạch định chính sách Fed có khả năng tăng lãi suất lên trên mức 4% trong năm nay.

Tuy nhiên, ông Charles Evans - Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - cho rằng việc tăng lãi suất "có thể tốn kém". Ông thừa nhận các chính sách đến nay vẫn khá bấp bênh.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-the-gioi-troi-sut-manh-post1369927.html