Gia đình 3 người bệnh tật bám víu nhau trên dòng nước ven sông Cửa Tiền

Trên chiếc thuyền chật chội, chòng chành giữa dòng nước, 6 con người một nhà chỉ biết bám víu lấy nhau. Khổ nỗi, có đến 3 người đã bị mù, bệnh tật. Mọi chi tiêu, thuốc men, học hành đều từ đôi tay người phụ nữ gầy gò, lam lũ.

Nhiều năm qua gia đình chị Lành tá túc trên chiếc thuyền nhỏ

Nỗi đau bệnh tật

Chiều muộn, trên chiếc lán nhỏ nằm ven sông Cửa Tiền (thuộc khối 1, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) một số bà con lối xóm đang đến thắp hương chia buồn cùng gia đình chị Thái Thị Lành (SN 1970). Con gái thứ ba của vợ chồng chị là Nguyễn Thị Đào vừa qua đời được mấy ngày, sau thời gian chống chọi với nỗi đau đớn của căn bệnh hiểm nghèo.

Chị Lành nghẹn ngào: “Cháu nó ra đi khi tuổi vừa mới đôi mươi, khi mọi hoài bão, ước mơ vẫn chưa thực hiện được. Cứ mỗi lần nhìn di ảnh con, lòng tôi lại quặn thắt”.

Như đụng vào vết thương lòng, chị nhớ lại: năm 17 tuổi, con gái chị từ một đứa trẻ khỏe mạnh, vui tươi bỗng cơ thể xuất hiện nhiều nốt đỏ, hay ốm, sốt li bì, đau khớp, đau đầu. Gia đình vội đưa đi khám mới bàng hoàng nghe tin con mắc phải bệnh Lupus ban đỏ, một chứng bệnh hiểm nghèo. Sau gần 1 năm “sống bám” nhiều bệnh viện ngoài Hà Nội từ lần khám đó, sức khỏe Đào có chuyển biến tốt.

Nhưng về nhà chưa được bao lâu, bệnh tình của cô gái trẻ lại có dấu hiệu tái phát. Lần này, em mắc thêm nhiều di chứng khác như viêm cầu thận, tràn dịch màng tim, viêm phổi nặng nên rơi vào hôn mê. Để duy trì sự sống cho con, gia đình chị Lành đành phải vay nóng gần 100 triệu đồng. “Nhìn con đau đớn, tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cứu được cháu. Nhưng rồi tôi đành bất lực nhìn con vật lộn với những cơn đau. Ngày 28/7 vừa qua, cháu đã trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn”, chị Lành đau buồn.

Không nhà, chiếc thuyền lại quá nhỏ nên gia đình chị Lành đành xin bà con chòm xóm cho mượn mảnh đất nhỏ ven đường để căng bạt, làm nơi đặt quan tài. “Tội nghiệp con tôi, sinh ra trên chiếc thuyền nhỏ, thiếu thốn trăm bề, đến lúc ra đi một chỗ để yên nghỉ cũng không có”, chị Lành xót xa. Ngày đưa tang hôm đó, rất đông người dân thương xót đến tiễn đưa cô gái trẻ xấu số, chia sẻ nỗi đau với gia đình nghèo đói.

Điều đáng nói, trong gia đình này, cô gái vừa qua đời không phải là người duy nhất bị bệnh tật hành hạ. Chồng chị Lành, mẹ chồng và con gái lớn cũng người bị mù, người bị thiểu năng trí tuệ.

Anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1968, chồng chị Lành) vốn bị mù bẩm sinh. Gia đình anh trước đây “cắm dùi” ở xóm Vạn Chài trên xã Hồng Long (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Mẹ anh, cụ Hoàng Thị Kiều (98 tuổi) cũng bị mù nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Theo lời cụ bà, trước đây gia đình cũng có đất, có nhà ở TP. Vinh, nhưng rồi sau chiến tranh tản cư trở về, nhà cửa không còn, bìa đỏ để lâu bị hỏng nên mấy lần trình chính quyền chưa được giải quyết. Gia đình đến bây giờ vẫn không có mảnh đất để sinh sống.

Không chốn nương thân, mẹ con anh Thuận đành chọn chiếc thuyền nhỏ làm nơi tá túc. Đó cũng là phương tiện để họ mưu sinh hàng ngày với nghề chài lưới. Và chính những ngày tháng lênh đênh trên sông nước đã giúp anh tìm được người bạn đời của mình.

Chị Lành sinh ra trong một gia đình làm nông ở xã Hồng Long. Duyên phận đẩy đưa khiến chị gặp người thanh niên mù lòa sau những lần ra bãi bồi ven sông Lam làm việc. Chị nhớ lại: “Lúc đó, không hiểu sao nhìn anh ấy mò mẫm lưới đánh cá tôi lại có lòng thương cảm. Từ tình thương rồi chuyển sang yêu mến lúc nào không hay”. Sau thời gian ngắn quen biết, chị quyết định nên duyên vợ chồng với anh, người đàn ông bệnh tật, không nhà không cửa trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Năm 1991, chị rời ngôi nhà vững chãi trên mặt đất để theo chồng sinh sống trên chiếc thuyền lênh đênh sông nước. Năm đứa con lần lượt chào đời. Bất hạnh thay, 2 trong số đó lại mắc bệnh. Ngoài em Đào thì con gái thứ hai Nguyễn Thị Mai (SN 1995) bị mù một mắt và thiểu năng trí tuệ.

Bấp bênh mưu sinh

Nhớ lại những tháng ngày khổ cực, chị Lành kể: vì gia đình biết trông chờ vào mớ tép, con tôm, con cá bắt được trên dòng sông nên khi bụng bầu đã vượt mặt, chị vẫn phải kéo lưới cùng chồng. Lúc sinh đứa con đầu lòng, chị chỉ kịp tạt thuyền vào bờ, nhờ mọi người đưa vào trạm y tế gần đó để vượt cạn. Ít tiếng đồng hồ sau, chị lại ôm đứa con đỏ hỏn xuống chiếc thuyền nhỏ. “Khổ cực nhất là những hôm trời mưa gió, bão lũ, chiếc thuyền lắc lư như muốn lật mà tôi chỉ biết ôm đứa con nhỏ thật chặt vào lòng”, đôi mắt chị đỏ hoe khi nhắc lại những ngày tháng cùng cực.

Vì cuộc sống nghèo đói và bệnh tật nên 3 đứa con đầu không được ăn học đầy đủ. Cô con gái đầu chưa học hết lớp 4 đã phải nghỉ giữa chừng, cùng bố đi thả lưới dưới sông. Người con thứ hai vì bệnh tật, mù lòa nên chị Lành đành khai sinh muộn hơn 2 năm. “Tôi làm như vậy với mục đích sau này đứa lành sẽ dẫn đứa mù đi học. Nhưng vì hoàn cảnh nên hai chị em chúng nó cũng chỉ học hết lớp 1 rồi ở nhà”, lời chị Lành.

Trước đây, anh Thuận vẫn có thể lần mò để làm đôi ba công việc lặt vặt. Khoảng chục năm nay, hai mắt anh mù hẳn không thể làm được việc gì, chỉ ngồi một chỗ. Do vậy, mọi gánh nặng gia đình đều đè lên vai chị, người phụ nữ thấp nhỏ, thường xuyên đau ốm vì bệnh sỏi thận. Suốt nhiều năm qua, chị Lành cố nai lưng làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi mẹ già, nuôi chồng và đoàn con.

Mấy năm trở lại đây, tôm cá cạn kiệt cùng với sức khỏe hạn chế nên chiếc thuyền nhỏ của gia đình ấy đành xuôi về mép sông Cửa Tiền, neo đậu tại đó. Tuổi cao, sức yếu chị đành chọn mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ ở vỉa hè chợ Vinh.

Sáng, chị Lành phải thức dậy từ 4 giờ, tất tả đi buôn mấy mớ tôm mớ cá về bán. “Hôm nào may mắn bán được hết thì còn kiếm được vài chục ngàn. Nhiều bữa ngồi mỏi lưng không bán được phải mang về, cha con có cá ăn nhưng lại không có tiền mua gạo”, chị Lành tâm sự.

Cũng vì nghèo đói nên người mẹ già của anh Thuận đành phải luân phiên tá túc nhà 3 đứa con. Theo đó, hằng năm, vợ chồng chị Lành sẽ đón mẹ chồng về sinh sống 4 tháng, thời gian còn lại đành phải nhờ 2 người bác chia sẻ khó khăn. “Vợ chồng tôi biết như thế là không nên, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn. Chồng mù, con mù, đau ốm, tôi lại đi làm cả ngày nên để mẹ ở nhà không yên lòng”, người phụ nữ giãi bày.

Có lẽ, niềm hi vọng lớn nhất giờ đây của anh chị là hai đứa con trai út hiền lành, học khá. Cũng vì thế mà trên chiếc lán nhỏ, vợ chồng chị dành nơi cao ráo, trang trọng nhất để treo bằng khen của các con. Chị tâm sự: “Nhiều khi đi làm về đuối quá, tôi muốn buông xuôi. Nhưng rồi nhìn thành tích của các con, tôi lại có thêm động lực. Tôi phải cố gắng để đời chúng nó không phải sống kiếp nghèo trôi nổi trên sông như bố mẹ nó. Thôi thì cố gắng chắt bóp cho con được lên bờ”.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Cán bộ của phòng Lao động thương binh và Xã hội phường Hồng Sơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Thái Thị Lành. Theo chính quyền, trước đây, gia đình chị sống bằng nghề chài lưới trên sông. Mấy năm trở lại đây, họ định cư ở mép sông Cửa Tiền. Chồng, con bị mù nên cuộc sống rất khó khăn. Hàng năm, chính quyền đều đến động viên, chia sẻ cùng gia đình chị. Vào mỗi mùa mưa lũ, lãnh đạo khối phố cũng cử người xuống vận động gia đình đến nhà văn hóa khối để tá túc.

Kim Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/gia-dinh-3-nguoi-benh-tat-bam-viu-nhau-tren-dong-nuoc-ven-song-cua-tien-405875.html