Gia đình bé gái bị Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ không thấy tổn hại nhưng xã hội thì có!

Theo Facebooker Hoàng Nguyễn Vũ, không người mẹ nào chứng kiến cảnh con gái mình bị dâm ô trong thang máy mà nói nhẹ tênh 'không thấy cháu tổn hại'. Có thể người phụ nữ này vì lý do rất 'nặng đô' nên mới xin tha cho Nguyễn Hữu Linh - kẻ đã xâm hại con mình?

Ngày 25.6, TAND quận 4 (TP.HCM) sẽ tiến hành xử kín đối với Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Phiên tòa chỉ có sự tham gia của Hội đồng xét xử, Nguyễn Hữu Linh và luật sư. Thẩm phán Nguyễn Hải Nam, Phó chánh án TAND quận 4, sẽ làm chủ tọa phiên tòa. Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) là người bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu Linh.

Phó chánh án Nguyễn Hải Nam cho biết gia đình bị hại có yêu cầu xử kín, xin xét xử vắng mặt và cũng không yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi.

Theo Lê Nguyễn Duy Hậu (TP.HCM), “xử kín” không có nghĩa là mọi thứ đều diễn ra phía sau cánh cửa đóng kín và không chịu sự giám sát của cộng đồng, truyền thông mà có thể xem là bước tiếp theo của việc bảo vệ nạn nhân.

Nguyễn Hữu Linh đến trụ sở trụ sở Tòa án Nhân dân quận 4 sáng 27.5 nhận các quyết định triệu tập để giải quyết vụ án dâm ô bé gái.

Khai ở cơ quan điều tra, Nguyễn Hữu Linh thừa nhận 3 lần ôm hôn bé gái là sai nhưng không nhận tội vì cho rằng hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Zing, luật sư Trần Bá Học chỉ ra trong bản cam kết không khiếu nại, khiếu kiện của mẹ bị hại thể hiện: "Khi xảy ra sự việc, tôi đã gặp anh Linh, người đi chung thang máy với cháu và xác định sự việc cũng chỉ xuất phát từ quý cháu ôm hôn và thơm cháu chứ không xuất phát từ ý nghĩ xấu".

Tại bút lục số 124, đại diện phía bé gái cũng xác định: "Sau khi sự việc xảy ra, vợ chồng chúng tôi không thấy tổn hại gì với bé. Ông Linh cũng là ba của hai vợ chồng em T - chỗ quen biết hay đi chung thang máy với tôi. Tôi yêu cầu cơ quan công an không tiếp tục điều tra và xử lý đối với ông Linh".

Luật sư Trần Bá Học cho rằng chính gia đình bé gái khẳng định hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh chỉ xuất phát từ việc quý cháu nên ôm hôn chứ không xuất phát từ ý nghĩ xấu xa. Cháu không tổn hại gì đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển bình thường. Ngoài ra, giữa hai gia đình có sự quen biết với nhau vì cùng sinh sống chung khu chung cư.

"Cho đến nay, gia đình bị hại vẫn không có bất cứ yêu cầu bồi thường cũng như đề nghị xử lý trách nhiệm gì đối với ông Nguyễn Hữu Linh. Điều này có thể nói khách thể tác động chưa xảy ra đối với bị hại trong vụ án này", luật sư Học trình bày trong kiến nghị.

Trong vụ án này, gia đình bé gái không yêu cầu khởi tố Nguyễn Hữu Linh, cũng không yêu cầu bồi thường phần dân sự. Song theo luật, tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Rộ tin Nguyễn Hữu Linh đã chi tiền tỉ cho gia đình bé gái để “đổi lấy sự im lặng”? Song thông tin này đang được kiểm chứng.

Nguyễn Hữu Linh khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng

sau khi sàm sỡ bé gái trong thang máy.

Theo cáo trạng, sau khi nghe bé gái kể lại sự việc bị người khác ôm hôn trong thang máy tối 1.4, ba của em xuống báo ban quản lý, cùng trích xuất camera và mời Nguyễn Linh xuống làm việc. Bị can thừa nhận mình là người đàn ông trong clip và khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng, CMND số 2003347 cấp vào tháng 10.2007 tại Quảng Nam. Sau quá trình gặp nhau, mẹ bé đồng ý bỏ qua vụ việc và ông Linh bay về Đà Nẵng vào chiều hôm sau.

Thế nên chuyện gia đình bé gái khai: “Ông Linh cũng là ba của hai vợ chồng em T - chỗ quen biết hay đi chung thang máy với tôi” khiến một số người đặt nghi vấn. "Chỗ quen biết" mà khi Nguyễn Hữu Linh khai tên giả, gia đình bé gái lại không hay?

Về chuyện trên, Facebooker Hoàng Nguyên Vũ cho rằng có thể gia đình bé gái vì lý do rất “nặng đô” mới xin tha cho kẻ đã sàm sỡ con mình và trách cứ họ khi làm vậy. Theo nam Facebooker nổi tiếng, dù gia đình bé gái không thấy tổn hại nhưng xã hội tổn hại nếu Nguyễn Hữu Linh thoát tội trong vụ án này.

Status của Facebooker Hoàng Nguyên Vũ nhận được sự đồng tình từ cộng đồng mạng:

“Trên các báo đăng lời “bãi nại” của mẹ cháu bé. Chị này xin pháp luật không xử lý Nguyễn Hữu Linh, không yêu cầu bồi thường vì “gia đình và con tôi không tổn hại gì” và “anh Linh là bố em T, bạn của gia đình tôi vì hay đi cùng thang máy”.

Ừ, “bạn của gia đình” mà khi sự việc hai năm rõ mười trong clip, “bạn” khai tên giả mà nhà chị không biết à?

Chị đang nhầm lẫn vai trò của mình rồi. Việc chị có nói tỉnh bơ “không vấn đề gì” và “xin không truy xét”, cũng chẳng ý nghĩa gì vì bị hại dưới 16 tuổi thì pháp luật đâu xét xử theo yêu cầu bị hại?

Dĩ nhiên, không người mẹ nào chứng kiến cảnh con gái mình bị dâm ô trong thang máy mà nói “nhẹ tênh” như chị cả. Có thể chị có lý do, thậm chí là lý do rất “nặng đô” để xin tha cho kẻ đã xâm hại con mình, nhưng chúng tôi thì mãi mãi không bao giờ tha cho những kẻ như hắn, vì những lý do sau:

1. Chúng tôi phải đấu tranh tới cùng dù là bằng phản đối chữ nghĩa, vì những đứa trẻ cần được bảo vệ, kể cả khi người thân, thậm chí là cha mẹ chúng, không bảo vệ chúng

2. Chúng tôi sẽ nguyền rủa những kẻ biến thái bệnh hoạn, coi thường luật pháp và nhân phẩm con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

3.Chúng tôi căm phẫn tột cùng những kẻ có chức có quyền, lại nắm pháp luật trong tay mà coi thường luật pháp. Khi sự việc bị bại lộ thì dùng mọi thủ đoạn chui qua kẻ hở của luật pháp với thói quen của một kẻ hiểu về tố tụng để chạy tội cho mình như hắn ta.

4. Chúng tôi khinh bỉ những kẻ dùng quyền lực và tiền bạc để che giấu tội ác, cũng như bán rẻ nhân phẩm của người thân.

5. Chúng tôi rất mừng khi cháu bé không bị tổn thương nhưng đau đớn lắm với những hình ảnh về tội ác “hai năm rõ mười” của Linh trong clip, cũng như đau đớn lắm vì những đứa trẻ trong sáng khác đã và đang bị xâm hại như vậy.

Thế nên dù chị có lý do để “bình chân như vại” để xin miễn tội cho hắn, nhưng chúng tôi thì không! Chúng tôi không đồng lõa với tội ác dù bất cứ lý do gì, bất cứ quyền lực gì và bất cứ tiền bạc gì, thưa chị!

Việc này giờ chị không quyết định được và chị đã chọn cách đứng ngoài cuộc, không thấy tổn thương khi xã hội tổn thương, những đứa trẻ bị tổn thương. Suy cho cùng, một cách vô hình, chị cũng đã tách mình khỏi xã hội rồi. Vì xã hội là của loài người, mà loài người về cơ bản, là biết đau, chị ạ.

CSGT quận 1 (TP.HCM) cầm camera quay ô tô đậu trên vỉa hè để phạt nguội:

Không chờ tài xế để xử phạt trực tiếp mà CSGT cầm camera quay biển số các ô tô đậu trên vỉa trước khách sạn ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM để phạt nguội.

Nhân Hoàng (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/thoi-su-facebook-c-145/gia-dinh-be-gai-bi-nguyen-huu-linh-sam-so-khong-thay-ton-hai-nhung-xa-hoi-thi-co-115448.html