Gia đình doanh nhân họ Đặng và giấc mơ dang dở với ngân hàng

Biến cố Sacombank vẫn đang là nỗi đau khó nguôi ngoai của gia đình kinh doanh họ Đặng, dù họ đã thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau gần 2 năm im ắng rời khỏi Sacombank, năm 2014, ông Đặng Văn Thành trở lại thương trường trong dáng vẻ tươi vui với vai trò vừa cũ lại vừa mới: Chủ tịch HĐQT TTC Group. Tập đoàn mía đường hàng đầu Việt Nam là nơi vợ và con gái ông vun đắp xây dựng cơ nghiệp trong khoảng thời gian ông hoạt động trong ngành ngân hàng. Sau biến cố Sacombank, ông Đặng Văn Thành cũng làm lại từ đầu với mía đường.

Đằng sau biến cố là “mật ngọt” gia đình

Hai năm trước đó, ngày 2/11/2012, ông Thành phải nhận quyết định của HĐQT Sacombank, thôi chức chủ tịch ở ngân hàng do mình sáng lập và giữ vị trí lãnh đạo cao nhất suốt 17 năm (từ năm 1995).

Ông bị buộc ra đi vào lúc ngân hàng vẫn có lãi lên đến 2.200 tỷ đồng cho 3 quý đầu năm cùng với tin đồn rộ lên vào thời điểm đó rằng ông sắp bị bắt… Nhiều người trong ngành nói với nhau: Ông Thành đã qua thời.

Ngay sau đó, con trai ông Thành là ông Đặng Hồng Anh và con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng rút khỏi các hoạt động làm ăn tại Sacomreal và TTC Group. Giới phân tích cho rằng nghiệp kinh doanh của gia tộc họ Đặng đã sụp đổ.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy.

Sau biến cố ngân hàng, ông Đặng Văn Thành trở về với ngành nghề cốt lõi của gia đình.

Sau biến cố ngân hàng, ông Đặng Văn Thành trở về với ngành nghề cốt lõi của gia đình.

Giữa biến cố Sacombank, người ta thấy ông Thành "mất hút". Sau này ông xác nhận là vì mệt mỏi nên bàn giao công việc và sang Singapore nghỉ một thời gian dài. Thế nhưng, công việc làm ăn của TTC Group thì không dừng lại.

Đằng sau ông, hai người phụ nữ, bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông, với vai trò chủ tịch và cô Ức My, con gái lớn, đã cùng mẹ chèo lái “con thuyền” TTC trước cơn sóng dữ.

Sau ngày trở lại TTC, ông Thành đã góp sức để tập đoàn phát triển nhanh, không dừng ở kinh doanh cồn, mật rỉ như buổi đầu ông và gia đình sáng lập 25 năm trước. Hiện nay, TTC đã là tập đoàn của hàng chục doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực như mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng, giáo dục, nông sản... Đường Bourbon Tây Ninh (nay là Đường Thành Thành Công - Tây Ninh), Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Du lịch Bến Tre, Xuất nhập khẩu Bến Tre, Điện Gia Lai, Du lịch Golf Việt Nam (đổi thành Công ty Du lịch Thành Thành Công)… đều là kết quả của quá trình M&A kéo dài.

Thời của thế hệ thứ 2

Ông Đặng Hồng Anh, bà Đặng Hoàng Ức My - các con của ông Thành từng được quen gọi với danh xưng "công chúa mía đường", "hoàng tử địa ốc".

Thực ra, ngay từ ngày đầu, 2 người con của gia tộc họ Đặng đã được rẽ theo hai hướng kinh doanh khác nhau. Nếu như Đặng Hồng Anh (con trai cả) sát cánh cùng cha đi trên còn đường tài chính, bất động sản thì con gái Đặng Huỳnh Ức My bên cạnh mẹ duy trì công việc truyền thống của gia đình là mía đường.

Đặng Huỳnh Ức My đang phá vỡ danh xưng "công chúa mía đường" để trở thành người phụ nữ quyền lực nhất lĩnh vực này.

Với Đặng Huỳnh Ức My, từ công chúa mía đường, giờ đây cô đang trên con đường thành người quyền lực nhất ngành mía đường Việt Nam. Mới đây CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) trình cổ đông phê duyệt việc bà Đặng Huỳnh Ức My và người có liên quan được nhận chuyển nhượng cổ phiếu công ty để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 55% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Thời gian nhận chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày nội dung này được cổ đông thông qua.

Nếu hoàn tất nội dung này, đây là bước cuối cùng để bà Đặng Huỳnh Ức My và người có liên quan trở thành nhóm cổ đông chi phối doanh nghiệp mía đường số 1 Việt Nam, vốn đang nắm giữ thị phần lớn nhất.

Để có được vị trí này, ái nữ của ông Đặng Văn Thành đã có 5 năm miệt mài thực hiện mục tiêu, với một loạt thương vụ đình đám, bao gồm cả thâu tóm mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Trong khi đó Đặng Hồng Anh sau khi tái cơ cấu lại Sacomreal với bộ nhận diện thương hiệu mới TTC Land. Hiện tại với cương vị là Phó chủ tịch HĐQT TTC Group, Đặng Hồng Anh được lựa chọn kế nghiệp di sản của người cha nổi tiếng để lại ấn tượng trong việc phát triển các lĩnh vực mới trong tập đoàn như năng lượng và y tế.

“Ba mẹ luôn kỳ vọng con cái trưởng thành hơn, học nhiều hơn ngoài đời. Bởi với họ, không có ai kế nghiệp mình hơn chính những đứa con của mình cả. Và hiện tại tôi đã sẵn sàng để đón nhận thách thức từ ba” - ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.

Giấc mơ ngân hàng sau biến cố Sacombank

Biến cố Sacombank vẫn là điều nhiều người nhắc nhớ khi nói về doanh nhân Đặng Văn Thành. Năm 2012, các bên đua nhau mua vào cổ phiếu để rồi chiếm quyền kiểm soát ngân hàng. Tháng 5/2012, ông Trầm Bê vào quản lý Sacombank, ông Thành xin rút khỏi nhà băng do chính mình sáng lập và lãnh đạo từ ngày đầu.

Với Sacombank, đại gia họ Đặng từng đặt tham vọng có được 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau năm 2015. Ông cũng có hoài bão biến Sacombank thành ngân hàng lưu động, dưới mô hình “kiost banking”. Tuy nhiên tất cả đã phải tạm dừng lại sau cú sốc thâu tóm và chuyển giao quyền lực ở Sacombank.

Chia sẻ với báo giới, ông nuối tiếc nhưng vẫn khẳng định: "Doanh nhân có tuổi thọ nhưng doanh nghiệp thì không”.

“Biến cố lớn nhất ập đến với tôi là thời điểm 2012, lúc ấy bi đát lắm. Cú sốc khiến tôi mất phương hướng, chỉ còn chỗ dựa lớn nhất là gia đình, bạn bè chí thân. Nếu không khó có thể vượt qua được. Bây giờ tôi cũng thẳng thắn chia sẻ rằng vụ thâu tóm Sacombank trước đây là một hành động không chuyên nghiệp”, ông nói.

Câu chuyện mà ông Thành nói với báo chí giờ đây là mía đường, chăn nuôi, du lịch và năng lượng. Tuy nhiên khi được hỏi về ngân hàng, ông vẫn cho biết sẽ làm tiếp những gì còn dang dở với Sacombank. Ông Thành cho biết sẽ chờ thời cơ khác để thực hiện ước nguyện. Lòng ông nung nấu, nuôi dưỡng và chuẩn bị dọn đường cho ngày trở lại với ngân hàng.

“Với ngân hàng tôi đã mất một đứa con mà tôi dốc hết niềm tin để xây dựng nó thành một ngân hàng tầm cỡ ở Việt Nam. Tôi rất tiếc là bao tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành được đã phải dừng lại giữa chừng. Tôi là người đầu tiên mở chi nhánh ở Lào và Campuchia, cũng là người đầu tiên đưa quản lý quỹ về để củng cố thị trường vốn tại Việt Nam. Đến nay những điều tôi tạo dựng nên dang dở thì tôi vẫn thấy mình là người có lỗi với anh em sáng lập. Tôi nghĩ tôi sẽ trở lại bằng cách nào đó” - ông Thành chia sẻ.

Sau biến cố Sacombank, ông Đặng Văn Thành vẫn ấp ủ giấc mơ ngân hàng.

Tham vọng trở lại ngân hàng cũng được người kế nghiệp của ông, doanh nhân Đặng Hồng Anh chia sẻ với Zing.vn. Ông cho biết: Trong cuộc đời kinh doanh gia đình đã đứng trước một khoảnh khắc sinh tử với Sacombank. "Dù ra đi với một sự tổn thương lớn nhưng ngành ngân hàng đã ngấm vào trong máu của ba tôi. Ở một thời điểm nào đó ba tôi sẽ trở lại, nếu ba không đủ thời gian tôi sẽ là người chủ động thực hiện việc này” - ông nói.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gia-dinh-doanh-nhan-ho-dang-va-giac-mo-dang-do-voi-ngan-hang-post883669.html