Gia đình rút tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên khỏi Trung tâm quyền tác giả âm nhạc

Hơn 2 năm kể từ ngày nhạc sĩ An Thuyên qua đời, gia đình ông quyết định sẽ tự bảo tồn, quản lý và khai thác tác phẩm của nhạc sĩ chứ không ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Chiều nay, 12/4, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên đã gặp gỡ báo chí tại Hà Nội thông báo về việc rút các tác phẩm âm nhạc khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Chủ trì buổi họp báo là bà Huyền Lâm - vợ của cố nhạc sĩ An Thuyên - cùng 2 người con là nhạc sĩ An Hiếu và đạo diễn Bông Mai.

Theo đó, kể từ ngày 17/1/2018, VCPMC không còn là đại diện quản lý và khai thác các quyền tác giả đối với các tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên. Mọi công việc liên quan đến sử dụng và bảo vệ quyền tác giả sẽ được thực hiện và quyết định bởi gia đình nhạc sĩ An Thuyên.

Gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên tại buổi họp báo

Bà Huyền Lâm cho biết, gia đình vẫn nhận được theo quý tiền bản quyền mà VCPMC chuyển vào. Nhưng số tiền đó không theo mức cố định. “Trung bình mỗi quý chúng tôi nhận được khoảng 12 đến 15 triệu đồng, vào quý nhạc sĩ An Thuyên qua đời thì nhận được khoảng 32 triệu, quý sau đó lại thấy xuống 8 triệu. Khi chúng tôi bày tỏ muốn rút tác phẩm để tự quản lý thì lại thấy tiền tác quyền tăng lên 32 triệu”, bà Huyền Lâm nói.

Tuy nhiên, nói về việc “chia tay” với VCPMC, đạo diễn Bông Mai khẳng định nguyên nhân không phải vì tiền bạc. Với gia đình cô, phí tác quyền không phải là nguồn thu chính. Điều cô và gia đình quan tâm nhất là các sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên được sử dụng ra sao, cung cấp cho những đơn vị nào. Gia đình cô rất cảm ơn những gì VCPMC đã làm trong việc bảo vệ tác quyền cho các nhạc sĩ, trong đó nhạc sĩ An Thuyên. Nhưng giờ đây, trong thời đại 4.0, việc quản lý tác phẩm âm nhạc cần được thực hiện chặt chẽ hơn, trong khi nhiều điều khoản của VCPMC lại chưa thỏa đáng.

Điều quan trọng hơn cả, theo nhạc sĩ An Hiếu, đó là ngoài việc bảo vệ tác quyền, gia đình anh còn muốn quảng bá các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên. “Từ trước tới nay, phía VCPMC chỉ làm mỗi việc thu tiền tác quyền qua những sản phẩm có sẵn, thậm chí có những bản đã tồn tại hơn chục năm nay chứ không làm mới tác phẩm. Gia đình chúng tôi nghĩ rằng, để khai thác tác phẩm tốt hơn thì phải có sự đầu tư mới”, anh nói.

Mặc khác, theo đạo diễn Bông Mai, với một sản phẩm âm nhạc, ngoài nhạc sĩ sáng tác, cần phải trân trọng những người đồng sáng tạo như nhạc sĩ phối khí, ca sĩ, người phụ trách kỹ thuật phòng thu… Khi minh bạch chuyện tác quyền, các nghệ sĩ đồng sáng tạo ấy đều được hưởng lợi từ lao động của mình.

Nhạc sĩ An Thuyên qua đời ngày 3/7/2015

Theo bà Huyền Lâm, khi biết tin gia đình bà rút tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên khỏi VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương - lúc đó còn là Giám đốc VCPMC - đã gọi điện đề nghị gia đình thu tác quyền từ các chương trình biểu diễn, còn VCPMC sẽ thu giúp từ phía các công ty, đơn vị nhằm giảm bớt thiếu sót, thiệt thòi cho gia đình. Nhưng gia đình bà vẫn quyết định tự làm, dù có thể tác quyền gia đình thu về sẽ không được như VCPMC.

Đạo diễn Bông Mai cho biết, số tiền đó dùng để khai thác những tác phẩm chưa từng được công bố của nhạc sĩ An Thuyên. Cùng với việc công bố rút các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên ra khỏi VCPMC, đạo diễn Bông Mai và nhạc sĩ An Hiếu cũng giới thiệu dự án âm nhạc dành cho thiếu nhi mang tên Sing Channel.

Sing Channel được phát triển trên nền tảng gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây, đã được biên tập và xuất bản dưới tên Tổng tập các bài hát thiếu nhi Việt Nam “Giai điệu thần tiên” do cố nhạc sĩ An Thuyên làm chủ biên. Trong quá trình thử nghiệm, Sing Channel đã ra mắt một số chương trình âm nhạc như Những bông hoa nhỏ, Cánh én tuổi thơ…

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/gia-dinh-rut-tac-pham-cua-co-nhac-si-an-thuyen-khoi-trung-tam-quyen-tac-gia-am-nhac-post41029.html