Gia đình Sukhoi: Những máy bay chiến đấu thế hệ 4 tốt nhất thế giới

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 45 năm chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu tiêm kích T-10-1 (20/5/1977) do Tổ hợp thiết kế thử nghiệm mang tên Pavel Sukhoi phát triển. Tổng công trình sư thiết kế Pavel Sukhoi và các cộng sự đã tìm ra nguyên lý chế tạo máy bay đặc biệt.

Một chiếc Su-35 của quân đội Nga. (Nguồn: TASS)

Thiết kế này đã được duy trì và hoàn thiện trên nhiều biến thể sau này của máy bay nổi tiếng thuộc gia đình Sukhoi: Su-27 / Su-33 (tiêm kích trên tàu sân bay); Su-30 (tên ký hiệu của NATO: Flanker-B / Flanker-D / Flanker-C). Và nữa, năm nay kỷ niệm 40 năm chuyến bay đầu tiên của chiếc Su-27 được sản xuất hàng loạt (6/2/1982).

Trong thế kỷ XXI, Su-27 / Su-30 đã trở thành một trong những dòng máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ 4/4+ thành công nhất thế giới và nằm trong trang bị quân đội hàng chục quốc gia trên khắp thế giới.

Kể từ năm 2000, khoảng 700 máy bay loại này đã được chuyển giao ra nước ngoài. Chúng đang phục vụ trong không quân Angola, Belarus, Venezuela, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Trung Quốc, Malaysia, Uganda và một số quốc gia khác.

Công lao to lớn trong việc này là của nhà thiết kế máy bay Pavel Sukhoi và các cộng sự của ông, những người đã phát triển một công thức hoàn hảo về mặt kỹ thuật cho sự thành công toàn cầu của thương hiệu Su.

Các lợi thế cạnh tranh chính của máy bay chiến đấu Sukhoi bao gồm: khả năng siêu cơ động mang lại lợi thế quan trọng trong không chiến tầm gần; vũ khí tên lửa mạnh cộng với khẩu pháo cỡ nòng 30mm; khả năng tiếp nhiên liệu trên không - thành phần bảo đảm quan trọng của tác chiến trên không; “thiết kế mở” của các thiết bị điện tử hàng không và vũ khí.

Ông Alexander Mikheev, người đứng đầu Rosboronexport, nói: “Trước các nguy cơ xung đột tiềm tàng ngày càng tăng trên thế giới, nhu cầu với các loại máy bay chiến đấu của Nga ở nhiều khía cạnh vượt trội so với máy bay phương Tây, đang ngày càng tăng.

Trong tương lai gần, hiệu quả chiến đấu vượt trội của máy bay Nga sẽ tiếp tục được duy trì, ngoài ra, Moscow tiếp tục quá trình hiện đại hóa các dàn máy bay, điều đó thấy được rõ qua sự ra đời của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57”.

Đơn vị khai thác máy bay chiến đấu lớn nhất của thương hiệu Su là Lực lượng không quân vũ trụ Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay Su-30SM và Su-35 (tên ký hiệu của NATO: Flanker-C và Flanker-E+) thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu đánh chặn các mục tiêu trên không và thực hiện các cuộc tấn công dẫn đường chính xác nhằm vào mục tiêu quân sự ở tầm thấp, độ cao trung bình và cao.

Các hệ thống radar điều khiển đa năng hiện đại được trang bị cho máy bay cho phép sử dụng vũ khí với độ chính xác tối đa.

Su-35 thực hiện toàn bộ nhiệm vụ của máy bay chiến đấu ở nhiều độ cao và tốc độ bay. Nhờ nhiều giá treo vũ khí, Su-35 có thể mang theo tới 12 tên lửa dẫn đường không đối không tầm trung hoặc 6 tên lửa không đối đất trong một lần xuất kích.

Máy bay được trang bị radar mảng pha mạnh mẽ, bảo đảm phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa (lên đến 350 km), tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất (bề mặt) mà không cần vào vùng phòng không của đối phương.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển kỹ thuật số của Su-35 cung cấp khả năng hoạt động trên không cho một nhóm tác chiến, tức là, thực hiện các chức năng của máy bay điều khiển và cảnh báo sớm.

(theo Sputnik)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-dinh-sukhoi-nhung-may-bay-chien-dau-the-he-4-tot-nhat-the-gioi-190501.html